TP Hà Nội ưu tiên triển khai các đô thị vệ tinh

Thứ sáu, 27/11/2020 | 13:18 GMT+7
Các đô thị vệ tinh ở Hà Nội được kỳ vọng sẽ góp phần phát triển kinh tế, giãn dân, liên kết vùng. Đây là quy hoạch với quy mô lớn và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ đối với Hà Nội mà còn của cả nước.

UBND TP Hà Nội vừa ban hành kế hoạch chỉ đạo các đơn vị tập trung hoàn thiện phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch TP giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cụ thể, ưu tiên triển khai lập 24 quy hoạch phân khu còn lại tại các đô thị vệ tinh, nhất là đô thị vệ tinh Hòa Lạc; quy hoạch các quận nội đô; quy hoạch phân khu sông Hồng, sông Đuống; hoàn thiện đồ án quy hoạch phân khu đô thị vệ tinh Xuân Mai và Phú Xuyên; trình Thủ tướng phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung thủ đô theo Quyết định 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ; đôn đốc xây dựng và ban hành 34 quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc theo kế hoạch.

Phối cảnh khu đô thị Hòa Lạc

Theo đồ án quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn 2050, TP Hà Nội sẽ có 5 đô thị vệ tinh kết nối với trung tâm gồm: Sơn Tây, Sóc Sơn, Phú Xuyên, Xuân Mai, Hòa Lạc được liên kết với đô thị trung tâm bằng hệ thống giao thông vành đai kết hợp các trục hướng tâm, có mối liên kết với hệ thống giao thông vùng Thủ đô và quốc tế.

Tại hội nghị lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Văn kiện Đại hội lần thứ XVII của Đảng bộ TP Hà Nội nhiệm kỳ 2020 - 2025, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, Quan điểm của TP Hà Nội là trong quy hoạch chung phát triển Thủ đô giai đoạn tới, TP vẫn kiên trì bảo vệ quy hoạch đặc thù phát triển chùm đô thị vệ tinh. Đây là quy hoạch với quy mô lớn và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ đối với Hà Nội mà còn của cả nước. 

Trong 5 đô thị vệ tinh thì đô thị vệ tinh Hoà Lạc là đô thị lớn nhất. Đây là khu đô thị được quy hoạch là khu đô thị vệ tinh xanh, sạch, hiện đại đáng sống bậc nhất của Việt Nam nói chung và TP Hà Nội nói riêng. Ở đây đã có khu công nghệ cao, có Đại học Quốc gia Hà Nội, có Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam và nhiều khu đô thị lân cận đang phát triển. Cùng với đại lộ Thăng Long khang trang, hiện đại nối đô thị trung tâm với khu đô thị vệ tinh Hòa Lạc, hạ tầng giao thông, đô thị của khu đô thị vệ tinh này cũng đang được đẩy nhanh xây dựng. Đặc biệt, mới đây, Thủ tướng đã phê duyệt bản Quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc đến năm 2030, tỷ lệ 1/10.000.

Sau đô thị Hòa Lạc, TP Hà Nội sẽ tập trung vào phát triển đô thị vệ sinh Sóc Sơn vì hạ tầng đô thị ở đây đã khá rõ nét. Tiếp đó là tập trung phát triển đô thị trục Nhật Tân – Nội Bài. Đây không phải là đô thị vệ tinh nhưng là đô thị thông minh theo chương trình hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam với Nhật Bản, sẽ là hình mẫu cho xây dựng đô thị thông minh không chỉ của Hà Nội mà của cả nước.

Ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam cho rằng: Đây là điểm khác biệt giữa đô thị vệ tinh của Hà Nội với đô thị vệ tinh của các nước phát triển đã xây dựng. Khi triển khai xây dựng được các đô thị vệ tinh sẽ tạo điều kiện thuận lợi giảm áp lực về dân số, giải quyết được 1,4 triệu dân từ nội thành giãn ra, đồng thời giải quyết được vấn đề hạ tầng.

Xác định 5 đô thị vệ tinh là 5 trung tâm phát triển của Thủ đô trong tương lai, TP cần nhanh chóng hoàn thành đầu tư đồng bộ mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông. Ông Vũ Hà, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Hà Nội nhận định, thời gian tới, TP cần tập trung và khẩn trương hơn nữa vào việc hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối đến 5 đô thị vệ tinh. Theo ông Hà, muốn nhanh, phải có sự linh hoạt trong cơ chế cũng như huy động nguồn vốn đầu tư. Trước mắt, cần tiếp tục hoàn thiện các quy định của TP về phân công, phân cấp quản lý; cơ chế, chính sách trong quản lý, sử dụng nguồn vốn đầu tư hạ tầng giao thông trên địa bàn. Trong đó, đặc biệt chú trọng tăng cường phân cấp cho các quận, huyện có nguồn thu lớn, có năng lực về tổ chức quản lý để chủ động đầu tư nhằm giảm áp lực cho ngân sách TP.

TP Hà Nội đã chủ động đầu tư kết nối các tuyến đường do Trung ương xây dựng với đường địa phương, trong đó có các công trình giao thông khung kết nối đô thị trung tâm với 5 đô thị vệ tinh, những tỉnh thuộc vùng Thủ đô như quốc lộ 1A, quốc lộ 3, quốc lộ 6, quốc lộ 21; quốc lộ 21B; trục Tây Thăng Long, Ngọc Hồi - Phú Xuyên, đường trục phía Nam; Vành đai 3,5; 4, 5; hệ thống cầu vượt sông: Tứ Liên; Hồng Hà, Mễ Sở, Ngọc Hồi… Nhiều công trình đã hoàn thành đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa nơi tuyến đường đi qua, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, kéo nông thôn về gần với thành thị.

Thiên San