TPHCM lên kế hoạch chuyển đổi 400.000 xe máy sang xe điện cho tài xế công nghệ và giao hàng

Thứ năm, 17/7/2025 | 10:25 GMT+7
Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM (HIDS) vừa hoàn thiện dự thảo đề án Chuyển đổi xe 2 bánh từ xe xăng sang xe điện cho tài xế công nghệ và giao hàng. Đây là một phần trong đề án kiểm soát khí thải chung của TPHCM do Sở Xây dựng chủ trì.

Theo Viện Nghiên cứu và phát triển TPHCM, đề án được xây dựng với mục tiêu chuyển đổi toàn bộ số lượng phương tiện 2 bánh từ xăng sang điện cho tất cả các tài xế công nghệ và nhân viên giao hàng nhằm đóng góp vào mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, bụi, xây dựng TPHCM trong tương lai phát triển xanh, bền vững. Đến năm 2029 (thời điểm kết thúc triển khai đề án), thành phố đặt mục tiêu giảm 100% lượng khí thải gây ô nhiễm và khí nhà kính từ nhóm phương tiện này.

Lộ trình chuyển đổi được thiết kế theo các mốc kỹ thuật bắt buộc, đi kèm những chính sách khuyến khích nhằm đảm bảo quyền lợi tài chính của tài xế, thúc đẩy việc thu đổi xe cũ, cho vay mua xe mới và phát triển hạ tầng sạc.

Cụ thể, đề án đề xuất bốn giai đoạn với các mục tiêu định lượng và gắn với lộ trình thời gian cụ thể. Theo đó, giai đoạn 1 (từ nay đến tháng 12/2026) sẽ đạt 30% - tương đương khoảng 120.000 xe được chuyển đổi. Giai đoạn 2 (đến tháng 12/2027) đạt 50%, tương đương khoảng 200.000 xe. Tiếp theo là giai đoạn 3 (đến tháng 12/2028) sẽ chuyển đổi khoảng 320.000 xe, đạt 80% và tới tháng 12/2029 là thời điểm kết thúc giai đoạn 4, hoàn thành chuyển đổi 400.000 phương tiện, đạt 100%.

TPHCM lên kế hoạch chuyển đổi 400.000 xe máy sang xe điện cho tài xế công nghệ và giao hàng. (Ảnh minh họa)

Để thực hiện mục tiêu này, TPHCM sẽ triển khai đồng thời nhiều chương trình và chính sách, với sự phối hợp của nhiều bên. Cụ thể, thành phố dự kiến xây dựng các vùng phát thải thấp, nơi xe xăng sẽ bị cấm lưu thông trong giờ cao điểm từ năm 2027 và cấm hoàn toàn từ năm 2028. HIDS và Sở Xây dựng đã thống nhất chọn Cần Giờ và Côn Đảo là địa bàn bị cô lập, dễ áp dụng chính sách để triển khai trước. Tất cả phương tiện chạy xăng sẽ không được phép hoạt động trong các vùng này sau tháng 1/2028.

Các chính sách hỗ trợ sẽ theo nguyên tắc "chuyển đổi sớm, hưởng lợi nhiều". Trong hai năm đầu, tài xế chuyển đổi sẽ được hỗ trợ ít nhất 2% lãi suất vay mua xe điện, miễn thuế VAT và lệ phí trước bạ. Đến năm thứ ba, mức hỗ trợ giảm còn 50%. Thành phố cũng dự kiến chi ngân sách để hỗ trợ chuyển đổi cho hàng chục nghìn xe thuộc nhóm tài xế khó khăn và cận nghèo.

Ngoài chính sách công, đề án còn vận động các doanh nghiệp cung cấp nền tảng công nghệ cùng tham gia. Các doanh nghiệp này sẽ quảng bá lợi ích xe điện, tặng điểm thưởng cho tài xế sử dụng phương tiện điện, đồng thời khuyến khích người tiêu dùng lựa chọn dịch vụ thân thiện môi trường. Ví dụ, mỗi chuyến xe điện có thể được cộng thưởng 500 – 1.000 đồng, giúp tài xế cải thiện thu nhập và đồng hành cùng chương trình chuyển đổi.

Theo tính toán, nếu TPHCM thay thế toàn bộ khoảng 400.000 xe máy xăng của các tài xế bằng xe máy điện, lượng khí CO2 có thể giảm tới 750 tấn trong vòng 5 năm, đồng thời giảm đáng kể NOx và bụi mịn PM2.5, góp phần cải thiện chất lượng không khí đô thị. Một xe điện 2 bánh chỉ tiêu tốn từ 3.000 – 5.000 đồng cho mỗi lần sạc, đủ cung cấp năng lượng di chuyển từ 50 – 80 km, thấp hơn đáng kể so với chi phí xăng dầu. Ngoài ra, cấu trúc đơn giản của xe điện giúp giảm chi phí bảo trì so với xe xăng, mang lại lợi ích kinh tế lâu dài.

Hải Long