Nghiên cứu - Trao đổi

TPHCM triển khai thực hiện Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn

Thứ ba, 25/2/2025 | 14:22 GMT+7
UBND TPHCM vừa ban hành Kế hoạch triển khai Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam và Chương trình phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 tại TPHCM.

Kế hoạch nhằm triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn và Chương trình phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn, công nghệ số cốt lõi như: trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây (Cloud Computing), internet vạn vật (loT), dữ liệu lớn (Big data), chuỗi khối (Blockchain), đưa TPHCM trở thành trung tâm công nghiệp bán dẫn hàng đầu khu vực và quốc tế.

Kế hoạch cũng đề ra các mục tiêu như đào tạo ít nhất 9.000 nhân lực có trình độ đại học trở lên phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030; hình thành và phát triển ít nhất 1 trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) đạt chuẩn quốc tế trong ngành công nghiệp bán dẫn, công nghệ số cốt lõi; xây dựng và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong ngành công nghiệp bán dẫn, công nghệ số cốt lõi.

Để đạt được các mục tiêu trên, UBND TPHCM đưa ra 5 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Cụ thể, nhóm nhiệm vụ 1: xây dựng, triển khai cơ chế, chính sách đặc thù với lộ trình thực hiện hoàn thiện cơ chế, chính sách (năm 2025 – 2026) và triển khai thực hiện cơ chế, chính sách (năm 2026 – 2030). Sản phẩm dự kiến với các chính sách được đề xuất.

Nhóm nhiệm vụ 2: phát triển hạ tầng, cơ sở vật chất, thu hút đầu tư. Thời gian thực hiện xây dựng kế hoạch đầu tư xây dựng các trung tâm, phòng thí nghiệm tại khu công nghệ cao TPHCM, khu công viên phần mềm Quang Trung (vào năm 2025 – 2026); hoàn thiện và đưa vào hoạt động (năm 2026 – 2030).

Các sản phẩm dự kiến bao gồm: đầu tư, nâng cấp ít nhất 1 trung tâm, phòng thí nghiệm trực thuộc UBND TPHCM; thu hút ít nhất 20 dự án đầu tư tại khu công nghệ cao và TPHCM; phòng thí nghiệm bán dẫn dùng chung cấp quốc gia được xây dựng và đi vào vận hành tại Đại học Quốc gia TPHCM.

Phấn đấu đưa TPHCM trở thành trung tâm công nghiệp bán dẫn hàng đầu khu vực và quốc tế. (Ảnh minh họa)

Nhóm nhiệm vụ 3: đào tạo và phát triển nguồn nhân lực với thời gian thực hiện hoàn thiện khung chương trình đào tạo, khóa đào tạo chuyên sâu; thu hút chuyên gia, ưu đãi cho người học (2025 – 2026).

Đến năm 2026 – 2030 dự kiến triển khai đào tạo ít nhất 9.350 nhân lực có trình độ đại học trở lên trong các ngành công nghiệp bán dẫn, công nghệ số cốt lõi tại Đại học Quốc gia TPHCM (ít nhất 6.200 nhân lực, trong đó có 2.600 nhân lực liên quan ngành thiết kế vi mạch và 3.600 nhân lực các ngành liên quan đến công nghệ bán dẫn); trường Đại học Công nghiệp TPHCM (ít nhất 1.400 nhân lực); trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM (ít nhất 1.400 nhân lực) và trường Đại học Sài Gòn (ít nhất 350 nhân lực).

Sản phẩm dự kiến bao gồm: triển khai được ít nhất 10 chương trình đào tạo; đào tạo ít nhất 9.000 nhân lực có trình độ đại học trở lên được (đào tạo sinh viên hệ chính quy, trình độ sau đại học; hệ ngắn hạn, chuyển tiếp; đào tạo giảng viên); đào tạo chuyên sâu và nâng cao tay nghề ít nhất 1.500 nhân lực cho các công ty ngành công nghiệp bán dẫn đang hoạt động tại Việt Nam.

Đồng thời, thu hút ít nhất 30 chuyên gia, nhà khoa học hoạt động trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn trong và ngoài nước tham gia đào tạo và nghiên cứu khoa học tại các trường, viện trên địa bàn TPHCM; Quỹ Phát triển nguồn nhân lực thiết kế vi mạch được thành lập…

Nhóm nhiệm vụ 4: thúc đẩy nghiên cứu phát triển (R&D) và hợp tác quốc tế. Thời gian thực hiện sẽ hoàn thành việc khảo sát, đánh giá tiềm năng phát triển công nghiệp bán dẫn, công nghệ số cốt lõi của TPHCM và xây dựng Chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, công nghệ số cốt lõi giai đoạn 2025 - 2030 vào năm 2025. Năm 2026 – 2030 sẽ triển khai chương trình và tổng kết đánh giá.

Hàng năm, thực hiện các dự án R&D và đến năm 2030 sẽ phát triển trung tâm nghiên cứu triển khai - khu công nghệ cao tiệm cận trung tâm nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế về lĩnh vực công nghiệp bán dẫn tại TPHCM.

Nhóm nhiệm vụ 5: phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Thời gian thực hiện sẽ hoàn thành cơ sở hạ tầng và vận hành các trung tâm ươm tạo (Trung tâm Khởi nghiệp Sáng tạo TPHCM - Sở Khoa học và Công nghệ, Vườn ươm Doanh nghiệp công nghệ cao - Ban quản lý khu công nghệ cao) vào năm 2025. Năm 2026 – 2030 sẽ hỗ trợ tối thiểu 60 startup (doanh nghiệp khởi nghiệp) trong ngành công nghiệp bán dẫn, công nghệ số cốt lõi.

Nhóm nhiệm vụ 6: truyền thông, tổ chức cuộc thi, giải thưởng. Thời gian xây dựng và triển khai chương trình truyền thông trong 5 năm (2025 - 2030). Hàng năm cũng sẽ tổ chức các cuộc thi, giải thưởng và khen thưởng nhằm tôn vinh các cơ quan, tổ chức, cá nhân có ý tưởng, sáng kiến, cách làm đột phá, sáng tạo trong phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, giúp mang lại hiệu quả cao trong hoạt động và lợi ích cho cộng đồng.

UBND TPHCM giao Sở Khoa học và Công nghệ là đầu mối, phối hợp với các đơn vị liên quan theo dõi triển khai kế hoạch, định kỳ hàng năm báo cáo UBND thành phố.

Hải Long