Theo Tờ trình của Chính phủ, việc xây dựng Nghị quyết nhằm tạo cơ sở pháp lý để tác động một cách tích cực, hiệu lực và hiệu quả, thúc đẩy mạnh mẽ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh liên quan, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội, nâng cao năng suất, bảo đảm an ninh, an toàn cho quốc gia, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, đưa khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội để hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đạt mục tiêu kép của quốc gia vào năm 2030 và 2045 như Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
Dự thảo Nghị quyết gồm 4 chương và 20 điều, bao gồm 2 nội dung liên quan đến hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và hoạt động chuyển đổi số quốc gia.
Nội dung cơ bản của dự thảo Nghị quyết quy định về cơ chế tự chủ của tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghệ theo hướng giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức, cán bộ, tài chính, chuyên môn; bổ sung quy định về miễn chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (miễn trách nhiệm dân sự trong trường hợp xảy ra thiệt hại cho Nhà nước trong quá trình thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, không phải trả lại kinh phí đã sử dụng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ); quy định nguyên tắc về áp dụng khoán chi đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, bao gồm cả nội dung khoán chi đến sản phẩm cuối cùng; quy định nguyên tắc kinh phí nhà nước cấp cho nhiệm vụ khoa học và công nghệ thông qua quỹ.
![](/userfile/User/dohuong/images/2025/2/13/khoa-hoc-20250213151417605.jpg)
Toàn cảnh phiên họp
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết Thường trực Ủy ban tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết. Việc thực hiện Nghị quyết sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các nhiệm vụ để đạt mục tiêu tăng trưởng từ 8% trở lên trong năm 2025 và tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026 - 2030.
Qua nghiên cứu, rà soát, Thường trực Ủy ban nhận thấy, các chính sách của dự thảo Nghị quyết chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định của các luật, nghị quyết hiện hành. Do vậy, theo quy định tại khoản 2 điều 15 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì việc Quốc hội ban hành nghị quyết thí điểm chính sách là có cơ sở pháp lý.
Các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định việc thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia để kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 57-NQ/TW nhằm nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực này, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước để đạt được mục tiêu đặt ra trong năm 2025 và các năm tiếp theo.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị rà soát lại các cơ chế, chính sách thí điểm để đảm bảo đúng quy định của Hiến pháp thuộc thẩm quyền của Quốc hội, không để xảy ra lợi ích nhóm, thất thoát, lãng phí, tiêu cực; rà soát không đưa vào Nghị quyết những nội dung chưa thực sự cấp bách, chưa đánh giá kỹ tác động mà tiếp tục nghiên cứu, chỉnh sửa, hoàn thiện khi sửa đổi Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, Luật Công nghiệp công nghệ số và các dự thảo luật khác cũng được xem xét sửa đổi trong năm 2025.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị quan tâm những vấn đề cấp bách được nêu trong Nghị quyết số 57-NQ/TW, phải làm ngay, làm sớm, làm khẩn trương để đạt được yêu cầu. Những vấn đề đã chín, đã rõ, được thực tế kiểm nghiệm chứng minh, có tính khả thi thì kịp thời đưa ngay vào nghị quyết để triển khai. Đặc biệt là những chính sách mang tính vượt trội, phát huy tác dụng ngay, khơi thông mọi nguồn lực, có sức lan tỏa, góp phần kịp thời vào tăng trưởng kinh tế.