Trong nước

Tăng trưởng quý I/2020 đạt 3,82%

Thứ tư, 1/4/2020 | 15:10 GMT+7
Tăng trưởng của nước ta trong quý I/2020 đạt 3,82% trong đó tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp chỉ đạt 5,28%; nông nghiệp đạt 0,08%; ngành dịch vụ đạt 3,27%.

Chính phủ họp thường kỳ tháng 3/2020

Hôm nay, 1/4, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 3/2020 khi nền kinh tế đi qua quý đầu tiên của năm 2020 trong bối cảnh dịch COVID-19 đã bước vào giai đoạn mới.

Trước tình hình kinh tế thế giới đang rơi vào suy thoái, tăng trưởng của nước ta trong Quý I/2020 đạt 3,82%, đây là mức tăng trưởng kinh tế của Quý I thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây (kể từ Quý I/2009).  Tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp chỉ đạt 5,28%, thấp nhất trong vòng 6 năm qua do gặp nhiều khó khăn, thách thức về nguồn cung nguyên phụ liệu, linh phụ kiện đầu vào; khó khăn về lao động, nguồn nhân lực; khó khăn về tài chính, thị trường tiêu thụ; tăng trưởng các ngành đều thấp hơn cùng kỳ, đặc biệt ngành khai khoáng tăng trưởng âm (-3,18%).

Tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp chỉ đạt 0,08%, thấp nhất trong 4 năm qua do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi; hạn hán, xâm nhập mặn tại vùng đồng bằng sông Cửu Long; dịch cúm gia cầm và dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp; một số khu vực nông nghiệp vẫn có bước tăng trưởng khá như chăn nuôi…

Tốc độ tăng trưởng ngành dịch vụ chỉ đạt 3,27%, mức thấp nhất trong hàng chục năm qua do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 làm sụt giảm mạnh khách du lịch, dịch vụ lưu trú và thương mại. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 3/2020 giảm 0,8%; tính chung 3 tháng đầu năm 2020 chỉ tăng 4,7%. Khách quốc tế đến Việt Nam đạt 3,7 triệu lượt, giảm 18,1% so với cùng kỳ.

Lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát, tiếp tục chiều hướng giảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2020 giảm 0,72% so với tháng trước; CPI tháng 3/2020 tăng 0,34% so với tháng 12/2019; CPI bình quân quý 1/2020 tăng 5,56% so với bình quân quý 1/2019.

Điểm sáng của xuất nhập khẩu hàng hóa là xuất khẩu khu vực trong nước tăng mạnh 8,7%, nhập khẩu giảm 3,4%, xuất siêu 2,8 tỷ USD. Tuy nhiên, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực đang giảm mạnh. Tình hình đăng ký mới doanh nghiệp có phần chững lại, mức tăng thấp hơn nhiều so với cùng kỳ. Xuất hiện xu hướng doanh nghiệp tạm rút khỏi thị trường, tâm lý nghe ngóng, chờ đợi, "đóng băng" hoặc đưa doanh nghiệp vào tình trạng "ngủ đông". Tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm có xu hướng gia tăng.

Tăng trưởng công nghiệp đạt 5,28% trong điều kiện dịch bệnh

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng kinh tế Việt Nam chịu nhiều tác động trong bối cảnh kinh tế thế giới đang phải đối mặt với nhiều yếu tố rủi ro, khó đoán định. Việc đạt mục tiêu tăng trưởng 6,8% là thách thức rất lớn trong bối cảnh ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn, dịch bệnh kép từ COVID-19 và dịch bệnh khác trên gia súc, gia cầm.

Dịch bệnh lây lan kéo dài gây tổn thất trực tiếp lên các lĩnh vực như du lịch, vận tải và hoạt động xuất nhập khẩu. Tiếp đến, các nhóm ngành sản xuất và đầu tư sẽ chịu tác động gián tiếp. Hoạt động sản xuất trong nước gắn với chuỗi sản xuất, cung ứng thương mại với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, châu Âu,... đã suy giảm do thiếu nguyên, nhiên vật liệu, lao động và nhu cầu giảm.

Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ nền kinh tế, ổn định sản xuất kinh doanh, giúp đỡ doanh nghiệp duy trì sản xuất, tăng cường khả năng chống chịu dịch bệnh, bảo đảm an sinh xã hội.

Dự báo trong các tháng tiếp theo, kinh tế trong nước tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: Dịch COVID-19 vẫn diễn biến rất phức tạp và khó lường; khả năng hấp thụ gói tín dụng 285.000 tỷ đồng từ năng lực sản xuất và kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp trong nước; rủi ro về tác động lây lan của suy giảm thương mại, sản xuất toàn cầu đối với tiêu dùng hộ gia đình và đầu tư của doanh nghiệp trong năm 2020; vốn FDI có xu hướng giảm do dịch bệnh làm các doanh nghiệp FDI hoạt động cầm chừng và tạm hoãn lại việc tăng vốn đầu tư trong thời gian tới khi tình hình dịch bệnh tại nhiều nước chưa có những biến chuyển tích cực; nhu cầu tín dụng thấp vẫn được dự báo đến hết quý II và sức ép tỷ giá gia tăng.

Từ phân tích, dự báo, nhận định tình hình, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã nêu một loạt kiến nghị, đề xuất về các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội, trong đó kiến nghị trong công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ về phòng, chống, dập dịch, việc bảo đảm an toàn tuyệt đối cho nhân dân là nhiệm vụ ưu tiên, quan trọng hàng đầu.

 

Tuấn Kiệt