Tạo hành lang pháp lý để thu hút đầu tư rộng rãi trong ngành điện

Thứ tư, 7/5/2025 | 16:57 GMT+7
Luật Điện lực mới có nhiều thay đổi quan trọng, tháo gỡ những điểm nghẽn trong việc xã hội hóa đầu tư nguồn điện, góp phần bảo đảm cho sự phát triển bền vững của ngành điện.

Trao đổi tại tọa đàm “Bảo đảm điện cho tăng trưởng – Yêu cầu và giải pháp” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 7/5, Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, Ủy viên Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội cho biết, liên quan đến xã hội hóa trong hoạt động điện lực, Quốc hội đã thông qua Luật Điện lực sửa đổi.

Dưới góc độ xã hội hóa, ông Phan Đức Hiếu khái quát ba điểm thay đổi quan trọng.

Thứ nhất, Luật mở ra nhiều cơ hội hơn cho khu vực doanh nghiệp tư nhân tham gia vào các hoạt động điện lực.

Thứ hai, Luật đã thu hẹp phạm vi độc quyền Nhà nước trong một số lĩnh vực, qua đó tạo thêm không gian cho các thành phần kinh tế khác.

Thứ ba, nguyên tắc hình thành thị trường điện cạnh tranh được thể hiện rõ hơn thông qua việc tiếp tục tách bạch các khâu trong hoạt động điện lực.

Ông Phan Đức Hiếu (bên phải) chia sẻ thông tin về Luật Điện lực mới tại tọa đàm. (Ảnh: VGP)

Theo ông Phan Đức Hiếu, nguyên tắc hình thành thị trường điện cạnh tranh tiếp tục được nhấn mạnh trong Luật sửa đổi thông qua việc tách bạch rõ ràng giữa các khâu sản xuất, truyền tải và phân phối điện. Trong từng khâu này, Luật khuyến khích sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, qua đó mở ra nhiều cơ hội mới cho khu vực tư nhân tham gia cung ứng điện năng. Bên cạnh đó, Luật cũng mở ra những hình thức đầu tư mới như đối tác công - tư (PPP)… từ đó mở rộng cơ hội cho các thành phần kinh tế tham gia vào thị trường điện lực. Có thể nói, xét về thể chế, Luật lần này không chỉ cải cách thủ tục mà còn tạo hành lang pháp lý để thu hút đầu tư rộng rãi hơn.

Ông Đoàn Ngọc Dương, Phó Cục trưởng Cục Điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, chủ trương xã hội hóa, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực năng lượng đã đề ra tại Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong nội dung của Nghị quyết, phần thể chế hóa điện lực đã nêu rõ Nhà nước chỉ độc quyền khu vực then chốt của cung ứng điện, bao gồm điều độ hệ thống điện, xây dựng, vận hành nhà máy điện quan trọng có ảnh hưởng đến việc đảm bảo an toàn, an ninh cung cấp điện (ví dụ như nhà máy điện hạt nhân hoặc nhà máy thủy điện đa mục tiêu) cũng như vận hành đường dây truyền tải lớn có tính xương sống trong hệ thống. Còn lại, tất cả khâu khác của chuỗi cung ứng điện đều xã hội hóa và khuyến khích thành phần kinh tế tư nhân hoặc đầu tư nước ngoài tham gia. Hiện nay, với nguồn điện, các dự án do Nhà nước đầu tư chỉ là các dự án lớn như nhiệt điện khí, nhiệt điện than… còn hầu hết các dự án điện tái tạo như điện gió, mặt trời và những loại hình điện sinh khối như điện rác đều là tư nhân đầu tư.

Theo ông Đoàn Ngọc Dương, những cơ chế, chính sách để thúc đẩy đầu tư vào ngành năng lượng đều đã được nêu rõ trong Luật Điện lực vừa được ban hành ngày 30/11/2024 và cụ thể hóa ở 2 Nghị định gồm: Nghị định số 56/2025/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Điện lực về quy hoạch phát triển điện lực, phương án phát triển mạng lưới cấp điện, đầu tư xây dựng dự án điện lực và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án kinh doanh điện lực; Nghị định số 58/2025/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Điện lực về phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới.

Tại 2 Nghị định hướng dẫn đều đã đưa ra cơ chế điều chỉnh theo thời kỳ, đảm bảo tính linh hoạt trong việc vận hành các loại hình nguồn điện khác nhau vào hệ thống. Cách tiếp cận này giúp thích ứng tốt với sự phát triển của khoa học, công nghệ, đồng thời cho phép tính toán hợp lý giá thành sản xuất điện theo từng loại hình công nghệ sản xuất điện khác trong hệ thống.

Lãnh đạo Cục Điện lực thông tin thêm, vừa qua, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 768/QĐ-TTg ngày 15/4/2025 phê duyệt Quy hoạch điện VIII điều chỉnh. Quy hoạch điện VIII được điều chỉnh trên cơ sở xuất hiện yếu tố mới gồm mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 8% và chủ trương tiếp tục đầu tư điện hạt nhân Ninh Thuận. Có thể nói, xuyên suốt trong Quy hoạch điện VIII điều chỉnh là tinh thần thúc đẩy khuyến khích đa dạng hóa thành phần đầu tư.

Thay vì đưa ra danh mục các dự án điện 2025 - 2030 như trước đây thì tại Quy hoạch điện VIII điều chỉnh, trên cơ sở phối hợp với địa phương, Bộ, ngành, Bộ Công Thương đưa ra danh mục các dự án năng lượng để kêu gọi đầu tư xã hội hóa và thẩm quyền thực hiện là UBND các tỉnh, thành phố. Trên cơ sở danh mục, các địa phương sẽ công bố, tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo đúng quy định pháp luật về đầu tư và đất đai.

Đức Dũng