Ngày 15/7, tại Hà Nội, Hội Chủ rừng Việt Nam và Tổ chức Forest Trends tổ chức tọa đàm Góp ý dự thảo Nghị định quy định về dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng. Dự thảo nghị định đang được Bộ Nông nghiệp và Môi trường thực hiện tham vấn góp ý.
Phát biểu tại tọa đàm, ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết, dự thảo Nghị định được xây dựng trên cơ sở khung pháp lý của Nghị định 06/2022/NĐ-CP với mục tiêu hỗ trợ tối đa cho các chủ rừng, đặc biệt là trong việc đơn giản hóa thủ tục và tạo thuận lợi cho việc tham gia thị trường carbon. Khi được ban hành, nghị định sẽ “cởi trói” cho các chủ tín chỉ carbon, cho phép họ chủ động hơn trong việc trao đổi, chuyển nhượng hoặc bù trừ tín chỉ không chỉ trong nước mà cả với đối tác quốc tế.
Theo ông Trần Quang Bảo, một số nội dung đáng chú ý trong dự thảo là quy định về giá bán tín chỉ, có thể theo cơ chế thỏa thuận trực tiếp hoặc tự nguyện như mô hình Thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ (ERPA) hiện nay. Bên cạnh đó, dự thảo cũng hướng tới việc thu hút mạnh mẽ sự tham gia của khối tư nhân và doanh nghiệp – những chủ thể có tiềm lực tài chính và công nghệ nhằm gia tăng trữ lượng rừng, qua đó đóng góp thiết thực vào mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững và thực hiện cam kết về khí hậu của Việt Nam.

Việc ban hành Nghị định quy định về dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng trong bối cảnh quốc tế ngày càng yêu cầu minh bạch về giảm phát thải là rất cần thiết. (Ảnh minh họa)
Bà Nghiêm Phương Thúy, đại diện Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm cho biết, dự thảo lần này là bước hoàn thiện khung pháp lý nhằm cụ thể hóa các cam kết về giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực lâm nghiệp, đặc biệt sau khi Việt Nam công bố mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Dự thảo Nghị định gồm 4 chương, 18 điều, đề cập từ việc xác định lượng kết quả giảm phát thải, tín chỉ CO2 rừng được cung ứng đến tổ chức thực hiện, quản lý nguồn thu và cơ chế thanh toán. Đây là lần đầu tiên Việt Nam xây dựng tiêu chuẩn carbon rừng trong nước, song song với cơ chế ghi nhận tín chỉ theo chuẩn quốc tế.
Một trong những điểm mới đáng chú ý là việc quy định rõ bên cung ứng dịch vụ có thể là chủ rừng nhà nước (như UBND xã, các tổ chức công lập) hoặc tư nhân (cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư, doanh nghiệp). Bên sử dụng dịch vụ là các tổ chức, cá nhân trong hoặc ngoài nước có nhu cầu bù đắp phát thải carbon.
Việc trao đổi, chuyển nhượng kết quả giảm phát thải hoặc tín chỉ carbon rừng được thực hiện thông qua hợp đồng hoặc sàn giao dịch carbon trong nước. Giá trị tín chỉ được tính theo đơn vị 1 tấn CO2 tương đương và khung giá khởi điểm sẽ do UBND tỉnh ban hành, trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Môi trường.
Nếu liên quan tới rừng thuộc nhiều tỉnh, mức giá sẽ lấy theo khung cao nhất. Trong trường hợp chưa có hướng dẫn, các bên sẽ đàm phán và trình Thủ tướng quyết định.
Đối với rừng thuộc sở hữu toàn dân, UBND tỉnh hoặc Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ đại diện triển khai dự án carbon rừng. Trong khi đó, rừng thuộc quyền sử dụng của cá nhân, tổ chức, cộng đồng thì chủ rừng có thể trực tiếp tham gia hoặc ủy quyền cho đơn vị đủ điều kiện pháp nhân thực hiện dự án. Đặc biệt, các hộ, cá nhân sở hữu rừng trồng liền kề với các dự án của tỉnh có thể tự nguyện tham gia, được xác nhận diện tích và nhận chia sẻ lợi ích từ kết quả giảm phát thải.
Nguồn thu từ việc bán tín chỉ carbon sẽ được chia theo hình thức chi trả trực tiếp hoặc thông qua Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam và các quỹ cấp tỉnh. Với chủ rừng là tổ chức, phần tiền thu được sau khi trừ chi phí sẽ được tính là nguồn thu hợp pháp, sử dụng theo quy định tài chính hiện hành. Với cá nhân, hộ gia đình hoặc cộng đồng, nguồn thu được phân bổ theo diện tích rừng đóng góp và sử dụng theo phương án đã được phê duyệt.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ là đầu mối hướng dẫn định giá, xây dựng tiêu chuẩn carbon rừng, thiết lập hệ thống đo đạc, báo cáo và thẩm định. Cùng với đó, Bộ Tài chính sẽ phối hợp xây dựng phương pháp xác định giá dịch vụ. UBND các tỉnh có trách nhiệm triển khai, ký kết và báo cáo kết quả thực hiện theo thẩm quyền.
Theo bà Nghiêm Phương Thúy, việc ban hành nghị định là cần thiết trong bối cảnh quốc tế ngày càng yêu cầu minh bạch trong nỗ lực giảm phát thải, đồng thời mở ra cơ hội huy động nguồn lực tài chính bổ sung cho công tác bảo vệ và phát triển rừng ở Việt Nam. Đây cũng là tiền đề để các tín chỉ carbon từ rừng Việt Nam có thể tham gia thị trường carbon tự nguyện toàn cầu như LEAF hay FCPF.
Với vai trò là tổ chức đại diện cho các chủ rừng, PGS.TS Nguyễn Bá Ngãi, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Chủ rừng Việt Nam hy vọng nghị định sau khi được ban hành sẽ tạo ra hành lang pháp lý rõ ràng, thuận lợi để người dân, cộng đồng và doanh nghiệp lâm nghiệp có thể chủ động tham gia thị trường carbon.
Theo ông Nguyễn Bá Ngãi, đây không chỉ là cơ hội thu hút nguồn lực tài chính bổ sung cho bảo vệ và phát triển rừng mà còn là động lực để ngành lâm nghiệp góp phần thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam.