Theo đó, ranh giới lập quy hoạch bao gồm toàn bộ địa giới hành chính huyện Như Xuân với 16 đơn vị hành chính (1 thị trấn và 15 xã). Cụ thể: phía Bắc giáp huyện Thường Xuân; phía Nam giáp tỉnh Nghệ An; phía Đông giáp huyện Như Thanh; phía Tây giáp tỉnh Nghệ An.
Diện tích tự nhiên hiện nay của huyện Như Xuân là 72.171,84 ha, trong đó đất xây dựng đô thị khoảng 700 ha. Dự báo đất xây dựng đô thị phát triển mới đến năm 2045 của huyện Như Xuân khoảng 510 – 640 ha, trung bình khoảng 200 – 250 m2/người.
Về định hướng phát triển không gian vùng, cấu trúc phát triển không gian vùng theo mô hình “1 hành lang phát triển - 2 trung tâm động lực - 1 dải cảnh quan sinh thái, nông nghiệp, nông thôn”. Toàn huyện được chia làm 3 phân vùng bao gồm: vùng trung tâm, vùng phía Nam và vùng phía Tây.
Tổ chức hệ thống đô thị đến năm 2045 sẽ thành lập thị trấn Bãi Trành với diện tích khoảng 6.594 ha, trên cơ sở toàn bộ diện tích xã Bãi Trành và Xuân Bình. Dân số dự báo đến năm 2045 khoảng 25.000 người. Các khu vực nông thôn sẽ được phát triển theo mô hình cụm thôn, bản với các điểm dân cư nông thôn ưu tiên gắn với các khu trung tâm xã, đối với các trung tâm xã chủ yếu ổn định tại vị trí hiện nay.
Phân bố và quy mô các không gian phát triển, định hướng đến năm 2045, trên địa bàn huyện Như Xuân sẽ hình thành 1 khu công nghiệp và 5 cụm công nghiệp (CCN), tổng diện tích các khu, cụm công nghiệp khoảng 499,7 ha. Cụ thể, giai đoạn 2021 - 2030: khu công nghiệp Bãi Trành với diện tích khoảng 179,03 ha; CCN Thượng Ninh diện tích khoảng 35 ha; CCN Xuân Hòa diện tích khoảng 75 ha; CCN Bãi Trành diện tích khoảng 49,7 ha. Giai đoạn 2031 - 2045: mở rộng khu công nghiệp Bãi Trành lên quy mô khoảng 300 ha; CCN Thanh Xuân diện tích khoảng 30 ha; CCN làng nghề Thanh Lâm diện tích khoảng 10 ha.
Thanh Hóa phê duyệt đồ án Quy hoạch xây dựng huyện Như Xuân đến năm 2045
Định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật cũng được chú trọng. Theo đó, về quốc lộ sẽ tuân thủ theo Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hệ thống các tuyến đường tỉnh trên địa bàn huyện đến năm 2030 đạt quy mô đường cấp IV, đến năm 2045 đạt quy mô đường cấp III.
Các tuyến đường huyện hiện được xem xét tiếp tục đầu tư cải tạo, nâng cấp đến năm 2030 đạt tối thiểu tiêu chuẩn đường cấp V miền núi; đến năm 2045 đạt tiêu chuẩn đường cấp IV. Các bến xe khách, bến thủy nội địa cũng sẽ được nâng cấp, mở rộng.
Về quy hoạch thoát nước, chủ yếu là nạo vét các lòng sông, suối, kênh, mương tự nhiên để tăng khả năng thoát nước. Di dân khỏi các vùng ngập lụt và phạm vi để thực hiện dự án thủy điện Bản Mồng (tỉnh Nghệ An). Đối với các vùng đô thị và điểm dân cư nông thôn xây dựng các tuyến kênh mương nắp đan thoát nước dọc các tuyến đường và dẫn về hệ thống kênh mương thoát nước chung của toàn huyện. Cao độ xây dựng khống chế cho các khu vực xây dựng mới xác định theo từng khu vực đô thị, khu dân cư theo quy hoạch chung được duyệt.
Các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư đến năm 2030 bao gồm: lập mở rộng điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng các đô thị (thị trấn Yên Cát, đô thị Bãi Trành), nguồn vốn ngân sách huyện. Các dự án đầu tư theo chương trình xây dựng nông thôn mới, hạ tầng xã hội nhóm dự án hạ tầng kỹ thuật. Ưu tiên đầu tư hệ thống giao thông để kết nối các khu vực, đặc biệt là các tuyến có vai trò liên kết các vùng trong huyện, với các huyện lân cận như: nâng cấp các tuyến đường đối ngoại kết nối sang huyện Thường Xuân, tỉnh Nghệ An, tuyến đường ven sông Chàng, tuyến đường ven núi Bù Mùn…
UBND huyện Như Xuân có trách nhiệm phối hợp với đơn vị tư vấn hoàn chỉnh hồ sơ để xuất bản, đóng dấu, lưu trữ theo quy định. Đồng thời, phối hợp với Sở Xây dựng Thanh Hóa và các đơn vị liên quan tổ chức công bố rộng rãi nội dung quy hoạch được duyệt trong thời gian 15 kể từ ngày quy hoạch được phê duyệt.