Thanh Hóa tích cực vào cuộc tháo gỡ vướng mắc cho các dự án truyền tải điện

Thứ tư, 3/1/2024 | 10:42 GMT+7
Ngày 2/1, tại Thanh Hóa, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) Bùi Văn Kiên có buổi làm việc với Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Mai Xuân Liêm về tiến độ triển khai một số dự án điện trọng điểm trên địa bàn.

Các dự án đường dây 220kV trạm cắt Nậm Sum - Nông Cống và đường dây 500kV Nhà máy nhiệt điện Nam Định I - Thanh Hóa đang triển khai thi công; dự án đường dây 500kV Quỳnh Lưu - Thanh Hóa và dự án trạm biến áp 500kV Thanh Hóa đang thực hiện các thủ tục triển khai nhưng gặp một số vướng mắc trong công tác quy hoạch, bồi thường giải phóng mặt bằng.

Phó Tổng giám đốc EVNNPT Bùi Văn Kiên phát biểu và nêu các kiến nghị tại buổi làm việc

Cụ thể, dự án đường dây 220kV trạm cắt Nậm Sum - Nông Cống theo tiến độ sẽ hoàn thành vào tháng 1/2024 nhưng đang chậm tiến độ, hiện chưa phê duyệt hoặc công khai phương án bồi thường giải phóng mặt bằng đối với 160 hộ dân ở huyện Như Xuân và Như Thanh do chưa cung cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đất giao trồng cây hàng năm nhưng đang được sử dụng trồng cây lâu năm, một số hộ dân có nhà, công trình trong hành lang an toàn... Đoạn tuyến đi qua địa bàn huyện Nông Cống còn 2 hộ dân chưa đồng thuận với phương án bồi thường và kiến nghị đơn giá thấp. Ngoài ra, 28 hộ gia đình có nhà, công trình xây dựng nằm dưới hành lang an toàn, trong đó có 3 hộ có nhà làm bằng vật liệu dễ cháy.

Dự án đường dây 500kV Nhà máy nhiệt điện Nam Định I - Thanh Hóa có chiều dài đi qua địa bàn Thanh Hóa hơn 74 km, khởi công tháng 10/2023 và kế hoạch hoàn thành trong tháng 6/2024 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương. Đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã bàn giao 114/133 vị trí chân móng cột, đạt 86%, trong đó có 4 huyện là Hà Trung, Yên Định, Hoằng Hóa, Thiệu Hóa đã bàn giao 100% vị trí chân móng cột. Hiện dự án còn 19 vị trí chưa bàn giao mặt bằng đối với phần móng, cột trên địa bàn huyện Nga Sơn và Hậu Lộc.

Phần hành lang an toàn cần di dời 53 hộ có nhà và nhiều thửa tại huyện Nga Sơn; 43 hộ có nhà, đất ở phải di dời tại huyện Hậu Lộc; 27 hộ trên địa bàn huyện Thiệu Hóa; 25 hộ có công trình sản xuất trên đất nông nghiệp cần di dời...

Cùng với đó, dự án đường dây 500kV Quỳnh Lưu - Thanh Hóa và dự án trạm biến áp 500kV Thanh Hóa đều có kế hoạch khởi công trong tháng 1/2024 và mục tiêu hoàn thành trước ngày 30/6/2024.

Tại buổi làm việc, Phó Tổng giám đốc EVNNPT Bùi Văn Kiên cam kết đơn vị sẽ nỗ lực thu xếp nguồn vốn, đồng thời yêu cầu các Ban quản lý dự án bám sát tình hình, phối hợp cùng địa phương hoàn thành các thủ tục pháp lý cần thiết, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để tổ chức thi công.

EVNNPT kiến nghị, đề xuất UBND tỉnh Thanh Hóa sớm xem xét phê duyệt kế hoạch sử dụng đất cho các địa phương có đường dây đi qua; đồng thời chỉ đạo địa phương phối hợp, tạo điều kiện để chủ đầu tư và đơn vị tư vấn xử lý những vướng mắc trong hoàn thiện hồ sơ, hoàn thành công tác đo đạc hành lang tuyến, bảo đảm điều kiện phê duyệt phương án bồi thường, tổ chức giải phóng mặt bằng để triển khai thi công.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Mai Xuân Liêm đánh giá cao nỗ lực của các ngành, địa phương trong quá trình triển khai dự án; sự ủng hộ tích cực, trách nhiệm của nhân dân các vùng có dự án đi qua, sớm bàn giao mặt bằng để chủ đầu tư và nhà thầu tổ chức thi công.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Mai Xuân Liêm phát biểu tại buổi làm việc

Ông Mai Xuân Liêm yêu cầu trước ngày 15/1 các huyện có nhu cầu bố trí tái định cư thực hiện báo cáo phương án tái định cư hoặc xen cư; đồng thời đề xuất kinh phí hỗ trợ cho các hộ dân di dời để tổ chức giải phóng mặt bằng.

Ông Mai Xuân Liêm cũng lưu ý, chính quyền các địa phương thực hiện đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch trong bố trí tái định cư và quan tâm, giải quyết đầy đủ chính sách, chế độ cho người dân chịu ảnh hưởng bởi các dự án, sớm ổn định cuộc sống.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng yêu cầu các địa phương chủ động, tích cực hơn nữa trong việc phối hợp với chủ đầu tư triển khai thủ tục pháp lý để tổ chức kiểm kê diện tích cần phải thu hồi, xây dựng phương án bồi thường, vận động, tuyên truyền tạo sự đồng thuận của nhân dân trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Đồng thời, nhanh chóng triển khai hiệu chỉnh một số chi tiết, hạng mục dự án theo hướng có lợi và phù hợp các quy hoạch liên quan. Chủ đầu tư chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan nhanh chóng hoàn tất thủ tục pháp lý liên quan, chuẩn bị kịp thời nguồn vốn bồi thường, giải phóng mặt bằng và những điều kiện liên quan để triển khai các dự án, đưa vào vận hành đúng tiến độ.

Thu Hiền