Tháp điện gió từ Việt Nam bị áp thuế chống bán phá giá

Thứ ba, 3/11/2015 | 17:16 GMT+7
Ngoài Công ty CS Wind Vietnam, sản phẩm tháp điện gió của những công ty còn lại tại Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ phải tiếp tục chịu thuế chống bán phá giá, Cục Quản lý cạnh tranh hôm 2-10 dẫn kết luận của Bộ Thương mại Mỹ cho biết.

Theo thông tin từ Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vào giữa tháng 9-2015 đăng công báo về kết luận cuối cùng đợt rà soát hành chính thuế chống bán phá giá (CBPG) lần thứ nhất (POR1) đối với tháp điện gió của Việt Nam, theo đó bị đơn bắt buộc duy nhất trong vụ việc này là Công ty CS Wind Vietnam không bán phá giá vào thị trường Mỹ.

Tuy nhiên, mức thuế suất toàn quốc áp dụng cho sản phẩm tháp điện gió của doanh nghiệp khác từ Việt Nam xuất sang Mỹ vẫn giữ nguyên mức 58,54% vì Mỹ vẫn coi Việt Nam là nước có nền kinh tế phi thị trường nên mức thuế suất toàn quốc vẫn ở mức cao.

Vào cuối năm 2012, DOC đã ra quyết định cuối cùng về mức thuế chống bán phá giá tháp điện gió nhập khẩu từ Việt Nam sau khi tiến hành điều tra sản phẩm này. Trong năm 2011, mặt hàng tháp điện gió Mỹ nhập khẩu từ Việt Nam ước đạt 79 triệu đô la Mỹ, trong khi từ Trung Quốc có giá trị 222 triệu đô la.

Trong một vụ việc khác có liên quan đến biện pháp phòng vệ thương mại của Mỹ, mới đây vào ngày 28-10, các doanh nghiệp Mỹ nộp đơn kiện chống bán phá giá đối với ống thép cuộn cacbon (Circular Welded Carbon-Quality Steel Pipe) của Oman, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Pakistan, Philippines và Việt Nam.

Nguyên đơn gồm công ty Bull Moose Tube, EXLTUBE, Wheatland Tube, và Western Tube & Conduit. Các doanh nghiệp Việt Nam có sản phẩm bị kiện được nêu tên trong đơn kiện là Công ty TNHH Sujia Steel Pipe, Công ty TNHH Vietnam Pipe, và Công ty TNHH Thép SeAH Việt Nam. Biên độ phá giá mà bên nguyên đơn cáo buộc đối với sản phẩm thép này của Việt Nam là 103,83%.

Trong vài năm gần đây, nhiều sản phẩm thép của Việt Nam liên tiếp bị doanh nghiệp tại Mỹ và một số nước trong khu vực kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp. Theo thông tin từ Cục Quản lý cạnh tranh, từ đầu năm 2015 đến nay, đã có sáu vụ kiện phòng vệ thương mại đối với sản phẩm thép của Việt Nam.

PV/T.Thu