Trong nước

Thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2026

Thứ ba, 24/6/2025 | 17:08 GMT+7
Tiếp tục kỳ họp thứ 9, chiều 24/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2026 với đại đa số đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành.

Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2026 gồm 2 điều, quyết nghị nội dung Chương trình giám sát và tổ chức thực hiện.

Theo Nghị quyết, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XVI xem xét báo cáo kết quả công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031; xem xét báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XV.

Đồng thời xem xét các báo cáo của Chính phủ về: đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2025, tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2026; về tài chính nhà nước năm 2024; quyết toán ngân sách nhà nước năm 2024; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2025; việc thực hiện Nghị quyết số 172/2024/QH15 ngày 30/11/2024 của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam…

Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: quochoi.vn)

Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XVI xem xét các báo cáo của Chính phủ về: kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2026, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2027; phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2027; công tác phòng, chống tham nhũng; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội năm 2025; tình hình quản lý, sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế năm 2025…

Bên cạnh đó xem xét các báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao về công tác triển khai thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; xem xét báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XVI; kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội.

Cùng với đó, tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội; xem xét báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện kiến nghị giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội (nếu có)…

Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ trì ban hành kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết này cùng với việc hoàn thiện dự thảo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 10. Căn cứ tình hình thực tế, điều chỉnh nội dung tại các kỳ họp trong năm 2026 phù hợp, khả thi, báo cáo Quốc hội khi xây dựng chương trình cụ thể tại từng kỳ họp; nghiên cứu đổi mới công tác chỉ đạo, điều hòa hoạt động giám sát của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.

Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo việc theo dõi, đôn đốc, tổng hợp kết quả thực hiện các kết luận, kiến nghị sau giám sát; báo cáo kết quả thực hiện Chương trình giám sát của Quốc hội, làm cơ sở cho việc dự kiến Chương trình giám sát của năm tiếp theo, bảo đảm gắn kết giữa hoạt động giám sát với hoạt động lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Căn cứ Chương trình giám sát của Quốc hội và điều kiện, tình hình thực tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội chủ động xây dựng, triển khai thực hiện chương trình giám sát của mình, trong đó nghiên cứu, tổ chức giám sát các nội dung liên quan đến việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã và việc thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp bằng những hình thức phù hợp hoặc lồng ghép với các hoạt động giám sát khác, bảo đảm hiệu quả; báo cáo kết quả thực hiện theo quy định của pháp luật.

Tiếp tục đổi mới, phát huy tinh thần chủ động trong hoạt động giám sát; chủ động giám sát ngay từ khi triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; bám sát tình hình thực tiễn thi hành pháp luật, bảo đảm hoạt động giám sát có trọng tâm, trọng điểm, tránh chồng chéo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước.

Nhã Quyên