Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đường dây 220kV Tân Sơn Nhất - Thuận An

Thứ hai, 12/5/2025 | 17:05 GMT+7
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 888/QĐ-TTg ngày 9/5/2025 chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư dự án đường dây 220kV Tân Sơn Nhất - Thuận An.

Theo quyết định, nhà đầu tư thực hiện dự án là Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Mục tiêu của dự án là hình thành mạch đường dây 220kV liên kết lưới điện giữa tỉnh Bình Dương và TPHCM, góp phần tăng hiệu quả đầu tư lưới điện và hỗ trợ công suất qua lại giữa 2 khu vực; đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục trong các chế độ vận hành cho trung tâm phụ tải TPHCM, đặc biệt là trạm biến áp 220kV Tân Sơn Nhất cung cấp điện cho phụ tải sân bay Tân Sơn Nhất; giảm tải cho các đường dây 220kV Cầu Bông - Hóc Môn, 220kV Thủ Đức – Cát Lái, 220kV Thủ Đức – Nhiệt điện Nhơn Trạch; tăng cường liên kết hệ thống điện 220kV trong khu vực, tăng cường độ an toàn, linh hoạt trong vận hành và ổn định cho hệ thống điện quốc gia.

Dự án có quy mô: xây dựng đường dây 220kV gồm đoạn 2 mạch cáp ngầm với chiều dài tuyến 7,8 km và đường dây trên không với chiều dài tuyển 5,4 km.

Tại trạm biến áp 220kV Tân Sơn Nhất (xây dựng mới): 2 ngăn lộ 220kV đi trạm biến áp 220kV Thuận An sẽ được đầu tư đồng bộ thuộc phạm vi dự án “trạm biến áp 220kV Tân Sơn Nhất” do Tổng công ty Điện lực TPHCM làm chủ đầu tư và đang được triển khai thi công xây dựng.

Tại trạm biến áp 220kV Thuận An (hiện hữu): mở rộng và trang bị xây dựng mới 2 ngăn lộ 220kV đi trạm biến áp 220kV Tân Sơn Nhất. Trang bị mới và hoàn thiện cho hệ thống điều khiển, đo lường bảo vệ, thông tin liên lạc và SCADA cho các ngăn xuất tuyến mới trong quá trình thực hiện dự án theo đúng quy phạm, quy định hiện hành.

Địa điểm thực hiện dự án thuộc địa bàn TPHCM và tỉnh Bình Dương. Theo kế hoạch, dự án hoàn thành trong năm 2025.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chịu trách nhiệm quản lý nhà nước đối với dự án theo ngành, lĩnh vực phụ trách theo quy định pháp luật; chỉ đạo và hướng dẫn EVNNPT trong việc rà soát, hoàn thiện hồ sơ dự án cũng như việc lựa chọn công nghệ trong bước lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, bảo đảm an toàn, phát huy tối đa vai trò, hiệu quả đầu tư dự án, phù hợp với mục đích truyền tải trong hệ thống điện quốc gia. Cùng với đó, Bộ Công Thương thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành đối với dự án trong quá trình triển khai thực hiện đầu tư và quản lý khai thác theo quy định của pháp luật.

Thủ tướng yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính trung thực, chính xác các thông tin, số liệu, nội dung trong hồ sơ dự án; chịu trách nhiệm huy động góp đủ số vốn đã đăng ký theo tiến độ đảm bảo tính khả thi của dự án. Chịu trách nhiệm về hiệu quả đầu tư dự án, hiệu quả sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước theo quy định của pháp luật. Nghiên cứu tiếp thu đầy đủ ý kiến thẩm định của các cơ quan liên quan trong quá trình đầu tư, thực hiện dự án.

Phối hợp chặt chẽ với UBND TPHCM, UBND tỉnh Bình Dương tổ chức triển khai thực hiện và quản lý dự án theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai và pháp luật liên quan. Phối hợp với UBND TPHCM, UBND tỉnh Bình Dương rà soát, cập nhật dự án vào các quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050. Thực hiện chế độ báo cáo về dự án đầu tư theo quy định pháp luật.

Thu Hà