Quy hoạch, xây dựng

Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng

Thứ sáu, 25/8/2023 | 15:52 GMT+7
Ngày 25/8, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 995/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, phạm vi, ranh giới quy hoạch tỉnh Sóc Trăng bao gồm toàn bộ phần lãnh thổ đất liền tỉnh Sóc Trăng và không gian biển được xác định theo Luật Biển Việt Nam năm 2012, Nghị định số 40/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Mục tiêu tổng quát của quy hoạch là phấn đấu đến năm 2023, Sóc Trăng là một trong những tỉnh phát triển khá của vùng đồng bằng sông Cửu Long; có công nghiệp, thương mại, dịch vụ phát triển, nông nghiệp hiện đại và bền vững; hình thành cảng biển ngoài khơi cửa Trần Đề và có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại; có hệ thống đô thị phát triển theo hướng xanh, thông minh, bền vững; có đủ năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu. Quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, người dân có cuộc sống phồn vinh, văn minh và hạnh phúc.

Thủ tướng vừa phê duyệt Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Tầm nhìn đến năm 2050, Sóc Trăng trở thành khu vực phát triển động lực của vùng đồng bằng sông Cửu Long gắn với phát triển cảng biển Trần Đề; là tỉnh có kinh tế phát triển khá của cả nước, vận hành theo phương thức chính quyền số, kinh tế số và xã hội số đối với các hoạt động kinh tế - xã hội; các ngành sản xuất, dịch vụ thông minh với các mô hình kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Các lĩnh vực xã hội phát triển hài hòa; môi trường và cảnh quan thiên nhiên được gìn giữ. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; người dân có cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc.

Theo đó, tỉnh Sóc Trăng sẽ thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng dựa trên nền tảng năng suất, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế và còn dư địa lớn trong không gian phát triển mới; cân đối, hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Trong đó, về ngành công nghiệp: phát triển công nghiệp theo hướng xanh, có sức cạnh tranh cao, tạo bước đột phá để nâng cao năng suất, tăng nhanh tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo giá trị gia tăng lớn. Trong đó: phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trở thành một trụ cột chính trong nền kinh tế. Đa dạng hóa các ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp phụ trợ. Phát triển công nghiệp năng lượng thân thiện với môi trường và các ngành công nghiệp gắn với kinh tế biển.

Sóc Trăng định hướng phát triển công nghiệp năng lượng thân thiện với môi trường và các ngành công nghiệp gắn với kinh tế biển

Về phương hướng phát triển không gian biển, quyết định nêu: tỉnh Sóc Trăng phát tiển không gian biển phù hợp với Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Tập trung phát triển các ngành kinh tế biển chiến lược, quan trọng như: kinh tế hàng hải; nuôi trồng và khai thác thủy sản; năng lượng tái tạo; công nghiệp và dịch vụ gắn kinh tế biển; tài nguyên khoáng sản biển.

Phát triển kinh tế biển bảo đảm khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững các tài nguyên biển và hải đảo, trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa lợi ích kinh tế, xã hội, bảo vệ nguồn tài nguyên, môi trường sinh thái, tạo sinh kế bền vững cho người dân. Đồng thời, bảo vệ vững chắc quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo; bảo đảm an ninh, trật tự trên biển và triển khai tốt các hoạt động tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn.

Hải Long