Kinh tế xanh

Thúc đẩy các doanh nghiệp "xanh hóa" chiến lược phát triển

Thứ sáu, 26/8/2022 | 11:11 GMT+7
Trước tình hình biến đổi khí hậu ngày càng tiêu cực, tài nguyên thiên nhiên bị tàn phá nghiêm trọng, phát triển kinh tế xanh là xu hướng tất yếu của nền kinh tế thế giới hiện tại với mục tiêu hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững, thúc đẩy các doanh nghiệp lớn "xanh hóa" chiến lược phát triển của mình để tồn tại lâu dài.

Vào đầu tháng 8, tại TPHCM, hội thảo kinh tế "Vững kinh doanh - Xanh trái đất" đã diễn ra với mục đích đưa ra những giải pháp giúp Việt Nam tăng trưởng bền vững, đạt được các mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu mà Chính phủ đã cam kết tại Hội nghị COP26.

Tại hội thảo, ông Tim Evans, Giám đốc Điều hành HSBC Việt Nam chia sẻ một số liệu thống kê cho biết trong năm 2021, thiên tai và biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng đến 65 triệu người trên thế giới và gây thiệt hại khoảng 150 tỷ USD. Trong khi hoạt động kinh doanh sản xuất trên toàn cầu bị ngưng trệ do Covid-19, quá trình biến đổi khí hậu vẫn không có chiều hướng chậm lại.

Hội thảo "Vững kinh doanh - Xanh trái đất" quy tụ dàn diễn giả cùng thảo luận về những giải pháp giúp Việt Nam tăng trưởng bền vững

Theo ông Tim Evans, gần đây, hàng loạt ngân hàng đã tham gia vào các chương trình phát triển xanh, rót vốn vào các dự án sản xuất xanh, đầu tư vào năng lượng tái tạo. Trong năm 2021, 60% ngân hàng ở Việt Nam đã hỗ trợ vốn cho các dự án xanh. "Phát triển xanh đem lại thách thức cho doanh nghiệp và người dân nhưng đồng thời là cơ hội để tạo lợi thế cạnh tranh nếu có kế hoạch kinh doanh đến cùng, hướng đến mục tiêu "phát thải ròng bằng 0" là một quyết tâm vô cùng ý nghĩa", ông Tim Evans nói.

Theo báo cáo của Hội đồng Doanh nghiệp Thế giới về Phát triển Bền vững (WBCSD), ngành bất động sản và xây dựng là một trong những tác nhân lớn nhất đóng góp vào sự nóng lên của trái đất, chịu trách nhiệm cho 40% tổng lượng khí thải carbon toàn cầu. Do đó, các chuyên gia cho rằng định hướng tăng trưởng bền vững, chống biến đổi khí hậu của ngành này là vô cùng cấp thiết. 

Trên thực tế, giải pháp cân bằng giữa phát triển đô thị và hạn chế ảnh hưởng đến môi trường đã được các nhà phát triển bất động sản quốc tế tìm tòi, ứng dụng từ lâu và một trong số đó cũng đã được áp dụng tại Việt Nam trong những năm qua. 

Chia sẻ tại hội thảo, ông Angus Liew, Chủ tịch HĐTV Gamuda Land Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp phát triển bất động sản ở nước ngoài đã bắt đầu cuộc thảo luận về vấn đề bảo vệ môi trường từ nhiều năm trước do áp lực phải đưa ra những biện pháp đảm bảo sự bền vững môi sinh. Nhiều doanh nghiệp trong ngành tán đồng với định hướng rằng hiệu suất môi trường, xã hội và quản trị (ESG) của dự án tốt sẽ mang lại giá trị tài sản cao cho không chỉ người mua nhà mà cả cộng đồng. 

Vị chuyên gia bất động sản đến từ Malaysia còn chia sẻ thêm tập đoàn của mình đang hiện thực hóa con đường phát triển bền vững bằng cách xây dựng chiếc lược hành động xanh Gamuda bài bản dựa trên 4 trụ cột chính: quy hoạch, thiết kế bền vững và quy trình xây dựng tuần hoàn; cộng đồng và doanh nghiệp; bảo tồn môi trường và đa dạng sinh học; tăng cường tính bền vững thông qua số hóa.

Chiến lược này đề ra những mục tiêu tham vọng với các mốc đo lường cụ thể như trồng 1 triệu cây xanh trên toàn cầu vào năm 2025, cắt giảm 40% lượng phát thải khí CO2 từ các dự án vào năm 2030, số hóa 100% quy trình hành chính nội bộ và tiến tới số hóa hoạt động thi công bằng công nghệ xây dựng công nghiệp kỹ thuật số - IBS

"Là nhà phát triển bất động sản, chúng tôi sẽ cố gắng hết sức theo đuổi chiến lược phát triển bền vững, tuân thủ ESG... để tạo ra nhiều dự án xanh và thân thiện với môi trường hơn trong tương lai. Nếu các chủ đầu tư khác cũng có chung tầm nhìn và hành động như vậy thì ngành bất động sản có thể hỗ trợ đắc lực cho chiến lược tăng trưởng xanh của Chính phủ Việt Nam", ông Angus Liew nhận định.

Huyền My