Năng lượng sạch

Thụy Sỹ chấm dứt sản xuất năng lượng nguyên tử, phát triển năng lượng tái tạo

Thứ tư, 29/4/2020 | 10:39 GMT+7
Thụy Sĩ hiện đang đứng trong top 10 các nước châu Âu thực hiện chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, năng lượng sạch.

Nhà máy điện hạt nhân Muehleberg thuộc Tập đoàn BKW nằm cách thủ đô Bern chỉ 40km, đã hoạt động suốt gần 50 năm qua đã được chính thức dừng hoạt động.

Bộ trưởng Môi trường Thụy Sỹ Simonetta Sommaruga phát biểu với kênh phát thanh RTS của nước này rằng, ngày Muehleberg đóng cửa “thực sự là một ngày lịch sử”. Đây là dấu mốc cho việc bắt đầu chấm dứt kỷ nguyên điện hạt nhân của Thụy Sỹ.

Hiện tại việc tháo dỡ nhà máy đang được triển khai. Công việc này dự định kéo dài tới năm 2034, với sự tham gia của 200 người, trong đó, từ giờ cho đến tháng 10/2020 các thiết bị dùng cho việc sản xuất điện như turbine, máy phát, máy làm giàu sẽ tiếp tục được tháo dỡ, còn tòa nhà trung tâm sau đó sẽ được chuẩn bị để tháo dỡ, tẩy độc, thu thập kim loại.

Năng lượng mặt trời phải chiếm ít nhất 2% tổng lượng điện của đất nước Thụy Sĩ vào năm 2050

Đến năm 2024, tất cả các thanh nhiên liệu hạt nhân sẽ được chuyển tới một cơ sở lưu trữ tạm thời trung tâm chuyên dành cho chất thải phóng xạ ở Wurenlingen, phía Bắc Thụy Sỹ. Hoạt động phóng xạ sẽ được xóa bỏ tại nhà máy trước năm 2031. Việc ngừng hoạt động và tiêu hủy dư lượng hạt nhân tiêu tốn tổng số chừng 3 tỷ francs Thụy Sỹ (khoảng 3,1 tỷ USD).

Trong các thập kỷ tới, Thụy Sỹ dự định tăng đáng kể sản xuất năng lượng tái tạo để đáp ứng nhu cầu điện trong nước. Do lưới điện được kết nối với châu Âu, đến nay Thụy Sỹ cũng mua điện từ các nước láng giềng như Pháp - nước này cũng có nhiều nhà máy điện hạt nhân. Từ năm 2017, người dân Thụy Sỹ cũng đã bỏ phiếu ủng hộ kế hoạch của chính phủ từ bỏ điện hạt nhân, thúc đẩy năng lượng bền vững bằng cách trợ giá để phát triển điện gió, điện mặt trời, thủy điện.

Báo cáo về việc thúc đẩy chuyển đổi hiệu quả năng lượng năm 2019, bao gồm Chỉ số chuyển đổi năng lượng, đánh giá các quốc gia về hiệu suất của hệ thống năng lượng, sự sẵn sàng chuyển đổi sang hệ thống năng lượng bền vững với giá cả phải chăng. Thụy Sỹ chỉ đứng sau Thụy Điển, nhưng đã vượt qua Na Uy. Phần Lan và Đan Mạch theo sau ở vị trí thứ tư và thứ năm. Các nước châu Âu thống trị top 10 nước hàng đầu. Trong số các nước này, hệ thống năng lượng của Thụy Sỹ được đánh giá hàng đầu thế giới. Tại Thụy Sỹ, gần 2/3 điện năng được sản xuất bằng thủy điện và năng lượng tái tạo.

Mặc dù thủy điện vẫn là nguồn năng lượng tái tạo chính ở Thụy Sỹ, song năng lượng tái tạo mới đang ngày càng cạnh tranh với nguồn năng lượng tái tạo truyền thống của đất nước. Nhiên liệu sinh học, năng lượng mặt trời đã chứng kiến sự gia tăng liên tục trong sản xuất năng lượng của Thụy Sỹ trong những năm gần đây.

Chiến lược năng lượng Thụy Sỹ 2050 theo đuổi sự chuyển đổi từng bước của hệ thống năng lượng theo hướng cung cấp nguồn năng lượng tái tạo an toàn và tiết kiệm chi phí.

Nhiều nhà máy điện gió tại Thụy Sĩ hoạt động hiệu quả

Theo chiến lược năng lượng mới nhất này, năng lượng mặt trời phải chiếm ít nhất 2% tổng lượng điện của đất nước vào năm 2050. Tuy nhiên, Hiệp hội thương mại Swissolar cho rằng mục tiêu trên có thể điều chỉnh tăng lên 5% vào năm 2050. Để thực hiện mục tiêu mới, Swissolar đang kêu gọi đầu tư nhiều hơn cho các cơ sở phát triển năng lượng mặt trời, đồng thời muốn nâng giá điện.

Trong nhiều năm qua, Chính phủ Thụy Sỹ đã triển khai và thông qua những giải pháp cụ thể trong Kế hoạch hành động kinh tế xanh nhằm tập trung vào hỗ trợ tài chính cho việc bảo vệ môi trường, đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm hỗ trợ tăng trưởng xanh, thúc đẩy công nghệ môi trường và đổi mới sinh thái, "Xanh hóa" hệ thống thuế và phí thông qua các sắc thuế môi trường...

Chính phủ Thụy Sỹ nghiên cứu xem xét hiệu lực và hiệu quả của các biện pháp hiện có và đề xuất các giải pháp thay thế theo ba mục tiêu chính sách: mở rộng sản xuất năng lượng tái tạo, bảo đảm cung cấp và giảm phát thải khí nhà kính.

Ngày nay, Thụy Sỹ có được nguồn cung cấp năng lượng an toàn và tiết kiệm chi phí. Sự phát triển kinh tế và công nghệ cũng như các quyết định chính trị trong và ngoài nước hiện đang dẫn đến những thay đổi cơ bản trong thị trường năng lượng.

Việc phát triển Chiến lược năng lượng năm 2050 cũng nhằm chuẩn bị cho Thụy Sỹ đạt được những mục tiêu phát triển bền vững, góp phần giảm tác động môi trường liên quan đến lĩnh vực năng lượng của Thụy Sỹ.

An Nhiên