Năng lượng tái tạo

Bản tin năng lượng số 16/2020

Thứ hai, 27/4/2020 | 08:30 GMT+7
Theo Báo cáo triển vọng năng lượng tái tạo toàn cầu đầu tiên của Cơ quan năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA) công bố mới đây, thúc đẩy chuyển đổi năng lượng dựa trên năng lượng tái tạo là cơ hội để đáp ứng các mục tiêu thích ứng biến đổi khí hậu quốc tế đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo ra hàng triệu việc làm và cải thiện phúc lợi cho con người trước năm 2050.

Năng lượng tái tạo có thể hỗ trợ sự phục hồi của nền kinh tế

Mặc dù con đường dẫn đến quá trình phi cacbon sâu hơn đòi hỏi tổng vốn đầu tư năng lượng lên tới 130 nghìn tỷ USD nhưng lợi ích kinh tế xã hội của khoản đầu tư này sẽ rất lớn, báo cáo cho biết. Chuyển đổi hệ thống năng lượng có thể làm tăng mức tăng trưởng GDP tích lũy toàn cầu cao hơn mức thông thường là 98 nghìn tỷ USD từ nay đến năm 2050. Sự chuyển đổi này sẽ làm tăng gấp 4 lần số lượng việc làm trong lĩnh vực năng lượng tái tạo lên mức 42 triệu, làm tăng việc làm trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng lên 21 triệu và bổ sung 15 triệu việc làm trong lĩnh vực hệ thống điện linh hoạt.

Tổng giám đốc IRENA Francesco La Camera cho biết: “Chính phủ các nước đang phải đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn là kiểm soát tình trạng khẩn cấp về sức khỏe đồng thời đưa ra các biện pháp kích thích và phục hồi chính. Cuộc khủng hoảng đã phơi bày những lỗ hổng sâu sắc của hệ thống hiện tại. Báo cáo triển vọng của IRENA cho thấy các cách để xây dựng các nền kinh tế bền vững, công bằng và kiên cường hơn bằng cách gắn kết các nỗ lực phục hồi ngắn hạn với các mục tiêu trung và dài hạn của Thỏa thuận Paris và Chương trình nghị sự phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.

Bằng cách tăng tốc phát triển năng lượng tái tạo và biến quá trình chuyển đổi năng lượng thành một phần không thể thiếu của sự phục hồi rộng hơn, các chính phủ có thể đạt được nhiều mục tiêu kinh tế và xã hội trong việc theo đuổi một tương lai với khả năng phục hồi mạnh mẽ mà không khiến ai bị bỏ lại phía sau”.

Báo cáo triển vọng năng lượng tái tạo toàn cầu xem xét các cấu thành của một hệ thống năng lượng cùng với các chiến lược đầu tư và khung chính sách cần thiết để quản lý quá trình chuyển đổi. Báo cáo khám phá cách thức để cắt giảm lượng khí thải CO2 toàn cầu ít nhất 70% vào năm 2050. Hơn nữa, một quan điểm mới về phi cacbon hoá sâu hơn cho thấy một con đường hướng tới lượng khí thải bằng không. Việc xây dựng trên năm trụ cột công nghệ, đặc biệt là hydro xanh và điện khí hóa lĩnh vực sử dụng cuối cùng có thể giúp thay thế nhiên liệu hóa thạch, giảm phát thải trong ngành công nghiệp nặng cùng các ngành khó phi cacbon hoá.

Theo IRENA, năng lượng tái tạo có thể hỗ trợ sự phục hồi của nền kinh tế

Báo cáo cho thấy, đầu tư cacbon thấp sẽ mang lại lợi ích đáng kể, giúp tiết kiệm gấp 8 lần so với chi phí khi tính đến các yếu tố ngoại cảnh về sức khỏe và môi trường.

Báo cáo triển vọng cũng đã xem xét các lộ trình chuyển đổi năng lượng và kinh tế xã hội ở 10 khu vực trên toàn thế giới. Mặc dù có nhiều con đường khác nhau nhưng tất cả các khu vực dự kiến sẽ có tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo cao hơn, với Đông Nam Á, Mỹ Latinh, Liên minh châu Âu và khu vực cận Sahara châu Phi dự kiến sẽ đạt tỷ lệ 70 - 80% trong cơ cấu năng lượng của các khu vực trước năm 2050.

Tương tự như vậy, điện khí hóa các lĩnh vực sử dụng cuối cùng như nhiệt và vận tải sẽ tăng lên ở mọi nơi, vượt quá 50% ở Đông Á, Bắc Mỹ và phần lớn châu Âu. Tất cả các khu vực cũng sẽ được hưởng thêm nhiều lợi ích và chứng kiến mức tăng ròng về việc làm trong lĩnh vực năng lượng bất chấp những tổn thất trong lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, những lợi ích thu được trong vấn đề việc làm ở quy mô khu vực và cả nền kinh tế được phân phối không đồng đều. Trong khi tăng trưởng GDP khu vực sẽ cho thấy sự thay đổi đáng kể thì hầu hết các khu vực có thể có được sự tăng trưởng.

Nâng cao tham vọng cấp khu vực và quốc gia có tầm quan trọng rất lớn trong việc đáp ứng các mục tiêu tương hỗ về năng lượng, khí hậu và giành được các lợi ích về kinh tế xã hội. Báo cáo kết luận là: sự kết hợp mạnh mẽ hơn ở cấp quốc tế, khu vực và trong nước cũng là yếu tố rất quan trọng với sự hỗ trợ tài chính được hướng đến những nơi cần thiết bao gồm những quốc gia và cộng đồng dễ bị tổn thương nhất. IRENA sẽ thúc đẩy hành động hợp tác nhằm giúp các quốc gia tạo điều kiện thuận lợi và thúc đẩy đầu tư vào năng lượng tái tạo.

Hà Tĩnh đề xuất bổ sung quy hoạch dự án điện gió hơn 4.900 tỷ đồng

Tỉnh Hà Tĩnh vừa có văn bản trình Chính phủ, Bộ Công Thương đề xuất cụm dự án điện gió 4.915 tỷ đồng của Công ty CP Năng lượng Phước Trung vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020, có xét đến 2030 (Quy hoạch điện VII điều chỉnh).

Dự án nhà máy điện gió Kỳ Anh do Công ty CP Năng lượng Phước Trung đề xuất xây dựng tại các xã: Kỳ Tân, Kỳ Tây, Lâm Hợp và Kỳ Văn (huyện Kỳ Anh) với tổng mức đầu tư 4.915 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn 30% của doanh nghiệp, 70% chủ đầu tư huy động từ nguồn vay tín dụng ngân hàng và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Dự án nhà máy điện gió Kỳ Anh gồm 3 nhà máy với tổng công suất lắp đặt 150MW, sản lượng điện phát lên lưới khoảng 482 GWh/năm; thời gian vận hành vào quý III /2021. Quá trình thực hiện là 18 tháng bao gồm thời gian khảo sát đo gió.

Trong đó, nhà máy điện gió Kỳ Anh PT1 được khảo sát, nghiên cứu đầu tư dự án trên diện tích  khoảng 6,13ha, diện tích đất để xây dựng dự án là 9,29ha (chiếm 1,5% diện tích khảo sát, nghiên cứu). Tổng công suất lắp đặt của nhà máy là 50MW, sản lượng điện phát lên lưới 129,171 GWh/năm, thời gian vận hành quý III/2021, tổng mức đầu tư dự kiến hơn 1.638 tỉ đồng.

Ảnh minh họa

Nhà máy điện gió Kỳ Anh PT2 được khảo sát, nghiên cứu đầu tư trên diện tích khoảng 1.843ha, diện tích xây dựng dự án là 9,74ha. Dự kiến công suất lắp đặt 50MW, sản lượng điện phát lên lưới 193,389 GWh/năm và thời gian vận hành Quý III /2021, dự kiến tổng mức đầu tư là hơn 1.638 tỉ đồng.

Nhà máy điện gió Kỳ Anh PT3 được khảo sát, nghiên cứu đầu tư trên diện tích khoảng 1.300ha, diện tích xây dựng dự án là 12,44ha. Tổng công suất lắp đặt của nhà máy là 50MW, sản lượng điện phát lên lưới 159 GWh/năm, thời gian vận hành quý III/2021, tổng mức đầu tư dự kiến hơn 1.638 tỉ đồng.  

Nhà máy điện gió Kỳ Anh sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, thân thiện với môi trường, phù hợp với chủ trương và phát huy được tiềm năng tự nhiên của tỉnh. Sau khi nhà máy đi vào hoạt động sẽ góp phần tăng thu ngân sách cho tỉnh và cung ứng cho nguồn điện quốc gia, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng.

Trước đó, ngày 6/12/2019, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có văn bản đồng ý về mặt chủ trương cho phép Công ty CP Năng lượng Phước Trung nghiên cứu, khảo sát thực hiện hồ sơ, thủ tục đầu tư dự án nhà máy điện gió tại huyện Kỳ Anh.

Dự án TBA 220kV Ninh Phước và đấu nối góp phần giải tỏa công suất nguồn NLTT

TBA 220kV Ninh Phước và đấu nối là công trình trọng điểm với mục tiêu giải tỏa công suất các nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận và góp phần giảm tổn thất điện năng lưới truyền tải điện.

Dự án TBA 220 kV Ninh Phước và đấu nối là một trong các dự án trọng điểm đang được Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) gấp rút triển khai thực hiện nhằm góp phần giải tỏa công suất các nguồn NLTT trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận. Được khởi công vào tháng 12/2019, trạm có quy mô công suất 2 x 250 MVA, được xây dựng tại xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận.

Công trường thi công TBA 220kV Ninh Phước

Hiện nay, dự án TBA 220kV Ninh Phước và đấu nối đang được Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung (đơn vị được EVNNPT giao quản lý điều hành dự án) cùng các các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ, dự kiến đóng điện đưa vào vận hành trong đầu tháng 6/2020.

Việc dự án TBA 220kV Ninh Phước và đấu nối sớm đưa vào vận hành sẽ góp phần quan trọng trong việc đảm bảo cung ứng điện cho miền Nam trong giai đoạn tới cũng như có ý nghĩa quan trọng trong việc vận hành kinh tế hệ thống điện quốc gia, góp phần phục vụ tốt các yêu cầu về hoạt động kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội cả nước.

PV