Tích cực thực hiện các hoạt động giảm rác thải nhựa đại dương

Chủ nhật, 17/12/2023 | 00:15 GMT+7
Mới đây, tại Phú Quốc (Kiên Giang), Tổng cục Biển và Hải đảo phối hợp cùng Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) tổ chức hội thảo thường niên dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam”.

Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” được Bộ Tài nguyên và Môi trường giao Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam phối hợp với WWF thực hiện từ năm 2020 đến 2023. Dự án được chính thức phê duyệt và triển khai ở cấp Trung ương và 10 tỉnh/thành phố, quận (huyện)/thị xã bao gồm: Hà Tĩnh, Quảng Bình (Đồng Hới), Thừa Thiên Huế (A Lưới), Đà Nẵng, Quảng Nam (Cù Lao Chàm), Phú Yên (Tuy Hòa), Bà Rịa - Vũng Tàu (Côn Đảo), Long An (Tân An), Kiên Giang (Rạch Giá và Phú Quốc). Dự án được thực hiện với kỳ vọng góp phần giảm ô nhiễm rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam thông qua việc hỗ trợ xây dựng các văn bản hướng dẫn để thực hiện chính sách ưu tiên liên quan đến chất thải nhựa, hoạt động truyền thông, tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi đối với chất thải nhựa, nhằm hỗ trợ thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 tại Việt Nam.

Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam

Phát biểu tại hội thảo, Tổng Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam Nguyễn Đức Toàn cho biết, năm 2023, dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” đã được triển khai sâu rộng và toàn diện, hoạt động dự án của các hợp phần đã thu về nhiều kết quả tích cực, góp phần hỗ trợ quá trình triển khai thực hiện Luật Bảo vệ môi trường 2020, nghị định và thông tư dưới luật liên quan đến quản lý chất thải rắn, chất thải nhựa; có thêm nhiều địa phương cam kết trở thành đô thị giảm nhựa. Bên cạnh đó, nhiều trường học đã xây dựng và triển khai chương trình giáo dục về giảm rác thải nhựa, hàng ngàn tấn, mét khối rác thải được thu gom nhằm ngăn chặn sự thất thoát ra môi trường biển, làm sạch các khu bảo tồn biển quan trọng Phú Quốc, Côn Đảo, Cù Lao Chàm.

Tổng Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam khẳng định, qua các hoạt động được triển khai và giám sát tại địa phương, có thể thấy, các địa phương trong năm qua đã tham gia, hợp tác, phối hợp tích cực với cán bộ của dự án, trao đổi và đề xuất các chương trình địa phương mong muốn triển khai, tham gia tích cực đem lại nhiều kết quả rất khả quan. Các hoạt động của dự án đã đóng góp hiệu quả, thiết thực cho việc triển khai Kế hoạch hành động quốc gia về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương, Đề án Việt Nam chủ động chuẩn bị và tham gia xây dụng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương.

Theo ông Nguyễn Đức Toàn, tính đến nay, hoạt động truyền thông của dự án được triển khai đã góp phần tạo ảnh hưởng tất cả các cấp độ, tạo ra tác động hai chiều thúc đẩy việc thay đổi hành vi trong xã hội. Việc tuyên truyền chính sách, kế hoạch hành động cấp quốc gia đã tạo ra động lực thay đổi tới các tổ chức cộng đồng, doanh nghiệp, hộ gia đình và cá nhân. Nhiều chương trình, phong trào, chiến dịch, sự kiện truyền thông đã được tổ chức với quy mô, hình thức đa dạng, tiếp cận nhiều nhóm công chúng mục tiêu với các thông điệp tiếp cận ở nhiều khía cạnh khác nhau. Tất cả các hoạt động đã tạo hiệu ứng tích cực, thu hút sự chú ý đối với phong trào chống rác thải nhựa tổng thể trên toàn quốc. Các hoạt động truyền thông được thực hiện song song với việc triển khai mô hình, biện pháp can thiệp cụ thể tại từng địa phương, từ đó hình thành sự cộng hưởng giữa các hoạt động, tạo hiệu quả cao hơn.

Đặc biệt, dự án cũng đã thực hiện hỗ trợ xây dựng các văn bản hướng dẫn kỹ thuật và kế hoạch hoạt động nhằm thực hiện chính sách quản lý chất thải rắn, bao gồm cả trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR). Qua đó, góp phần hoàn thiện khuôn khổ chính sách, thể chế nhằm tăng cường quản lý hiệu quả chất thải rắn, đưa hệ thống EPR quy định triển khai ở cấp quản lý quốc gia và địa phương; góp phần triển khai những hoạt động mang tính hỗ trợ, đảm bảo cam kết của Việt Nam trong việc tham gia một hiệp ước toàn cầu ràng buộc về mặt pháp lý về ô nhiễm nhựa, bao gồm quản lý rác thải nhựa đại dương.

Dự án còn cùng các đối tác ở các cấp khác nhau đã và đang triển khai những gói hoạt động cụ thể nhằm tăng cường công tác quản lý, thu gom, phân loại - xử lý rác, tăng tỷ lệ thu hồi rác tái chế; tích cực tuyên truyền, giáo dục; thúc đẩy việc xử lý và xóa các điểm nóng về rác thải nhựa… đồng thời gắn kết các bên liên quan trong xã hội để cùng nỗ lực giảm thiểu rác thải nhựa. Hỗ trợ xây dựng, tham vấn và thúc đẩy các địa phương ban hành kế hoạch hoạt động quản lý rác thải nhựa của địa phương dựa trên Kế hoạch quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030.

Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi về hoạt động của dự án trong thời gian qua, trong đó chỉ ra những khó khăn, thách thức trong việc thực hiện. Từ đó, bày tỏ mong muốn các cán bộ dự án cần nỗ lực hơn nữa trong thời gian còn lại của dự án; các cơ quan ban ngành, các địa phương phối hợp tạo điều kiện thuận lợi để việc triển khai dự án, giám sát kiểm tra, nghiệm thu kết quả dự án được nhanh chóng, hiệu quả, đạt được mục tiêu đề ra ban đầu, cũng như có những đề xuất điều chỉnh theo tình hình thực tế.

Bảo An (T/H)