Tịch thu 3,6 triệu lít dầu DO trái phép trên biển

Thứ hai, 27/7/2020 | 10:05 GMT+7
Theo báo cáo của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2020, lực lượng Cảnh sát biển đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 33 vụ/51 tàu (3 tàu nước ngoài)/239 đối tượng; tổng số tiền xử phạt trên 2,6 tỉ đồng; tịch thu trên 3,6 triệu lít dầu DO, trên 342.500 kg dầu Fo, trên 1,8 triệu lít xăng…

6 tháng đầu năm 2020, lực lượng Cảnh sát biển đã tổ chức 30 đợt tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho gần 13.000 lượt ngư dân; phát hơn 17.000 tờ rơi tuyên truyền pháp luật. Kiểm tra, xử phạt 278/327 tàu, thuyền vi phạm, nộp ngân sách Nhà nước trên 493 triệu đồng thu từ xử phạt vi phạm hành chính. Trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, lực lượng Cảnh sát biển đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 33 vụ/51 tàu (3 tàu nước ngoài)/239 đối tượng; tổng số tiền xử phạt trên 2,6 tỉ đồng; tịch thu trên 3,6 triệu lít dầu DO, trên 342.500 kg dầu Fo, trên 1,8 triệu lít xăng… Tổng số tiền xử lý hàng hoá, tang vật liên quan trong 6 tháng đầu năm khoảng trên 160 tỷ đồng.

Tàu nước ngoài đang sang mạn dầu trái phép bị bắt giữ.

Thiếu tướng Trần Văn Nam, Phó Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam cho biết, ngay sau khi dịch COVID-19 ở nước ta cơ bản đã kiểm soát, tình hình phát triển kinh tế, trong đó có vận tải biển có nhiều khởi sắc; đồng thời kéo theo các vụ buôn lậu, gian lận thương mại lớn, đặc biệt là về xăng dầu ở vùng biển Tây Nam có yếu tố nước ngoài diễn biến phức tạp.

Liên tục trong tháng 5 và 6 vừa qua, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã chỉ đạo các đơn vị sử dụng các biện pháp nghiệp vụ tuần tra kiểm soát và đã phát hiện, bắt giữ được hai vụ lớn có yếu tố nước ngoài vận chuyển tới 1.700 m3 dầu DO và 1.000 m3 dầu DO. Có những vụ buôn lậu đường cát có xuất xứ từ nước ngoài về Việt Nam tới hơn 200 tấn. Trong công tác điều tra, xác minh, xử lý các vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại, nhất là vụ việc có yếu tố nước ngoài, thường phức tạp, liên quan đến nhiều nước và lĩnh vực thương mại quốc tế, ngoài ra, giá trị tang vật lớn cũng là những khó khăn nhất định đối với lực lượng thực hiện nhiệm vụ nên quá trình điều tra kéo dài, mất nhiều thời gian.

Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 bắt giữ tàu đang có hành vi mua bán, vận chuyển 25.000 lít dầu DO trái phép trên vùng biển Tây Nam, ngày 9/6.

Để đối phó lực lượng chức năng, các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại thường móc nối với đối tượng vận chuyển hàng hóa trên biển, nhất là hoạt động mua bán trái phép xăng, dầu, các đối tượng thực hiện việc mua bán, rồi đưa hàng hóa vào đất liền tiêu thụ và trực tiếp bán cho các chủ tàu cá. Việc vận chuyển và giao nhận hàng hóa chủ yếu diễn ra vào ban đêm nhằm tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng. Ngoài ra, các đối tượng còn lắp đặt các thiết bị hiện đại trên tàu để phát hiện lực lượng chức năng... Đặc biệt, các đối tượng thường lợi dụng khi thời tiết trên biển xấu, sóng to, gió lớn hoặc thời điểm hạn chế mức độ hoạt động tuần tra, kiểm soát của lực lượng thực thi pháp luật trên biển để tập kết, sang mạn, vận chuyển, giao nhận hàng lậu ở trên biển hoặc khu vực ven biển.

Trong thời gian tới, theo Thiếu tướng Trần Văn Nam, Cảnh sát biển xác định sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng trao đổi thông tin, nắm chắc tình hình về hoạt động của tội phạm, vi phạm trên biển; tích cực triển khai các hoạt động nghiệp vụ, trong tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên các tuyến, vùng biển trọng điểm; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân, nhất là ngư dân các vùng ven biển; tổ chức tọa đàm, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm phòng, chống tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép, cũng như trong huấn luyện, diễn tập xử lý các vụ buôn lậu lớn, phức tạp trên biển. 

Hoài An (t/h)