Trong nước

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sắp cán đích 500 tỷ USD

Thứ sáu, 13/12/2019 | 14:32 GMT+7
Bộ Công Thương cho biết, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt khoảng 472 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm. Với tiến độ như hiện nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ vượt mốc 500 tỷ USD vào nửa sau tháng 12 năm 2019.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải trả lời tại cuộc họp báo thường kỳ

Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Công Thương, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, tính chung kim ngạch xuất khẩu 11 tháng đầu năm ước đạt 241,42 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của khu vực 100% vốn trong nước ước đạt 74,72 tỷ USD, tăng 18,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) ước đạt 166,7 tỷ USD, tăng 3,8% so với cùng kỳ.

Về nhập khẩu, 11 tháng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước đạt 232,308 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 98,2 tỷ USD, tăng 13,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 134,1 tỷ USD, tăng 3,1%.

“Với tiến độ như hiện nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ vượt mốc 500 tỷ USD vào nửa sau tháng 12/2019. Đây là năm thứ tư liên tiếp xuất khẩu cán mốc kỷ lục”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.

Kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam đạt kết quả cao trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm

Về thị trường xuất khẩu, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 55,6 tỷ USD, tăng 27,9% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là thị trường EU đạt 38 tỷ USD, giảm 2,3%; Trung Quốc đạt 37,4 tỷ USD, giảm 0,6%; thị trường ASEAN đạt 23,4 tỷ USD, tăng 2,4%; Nhật Bản đạt 18,6 tỷ USD, tăng 7,6%; Hàn Quốc đạt 18,4 tỷ USD, tăng 10,1%.

Hàng hóa Việt Nam đã tiếp tục khai thác các thị trường truyền thống và mở rộng tìm kiếm, phát triển thêm nhiều thị trường mới từ việc tận dụng các FTA đã có hiệu lực và đang tiếp tục đàm phán, ký kết. Nhất là khi cộng đồng doanh nghiệp tận dụng tốt hơn cơ hội từ các FTA sẽ là yếu tố tích cực thúc đẩy quá trình xuất khẩu hàng hóa. Đặc biệt, cùng với việc không ngừng cải cách thủ tục hành chính, tạo hành lang thông thoáng cho doanh nghiệp hoạt động đã và đang là động lực rất lớn trong việc phát triển các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước cũng như thu hút mở rộng đầu tư và xuất khẩu sản phẩm của các doanh nghiệp.

Theo nhận định của Bộ Công Thương, hoạt động xuất nhập khẩu năm 2020 sẽ còn đối diện với các khó khăn thách thức. Bộ Công Thương sẽ tập trung các nguồn lực, tích cực triển khai các giải pháp để phấn đấu đạt chỉ tiêu Quốc hội giao là tăng trưởng xuất khẩu đạt 7-8%.

An Nhiên