Kinh tế xanh

Trồng rừng gỗ lớn giúp phát triển kinh tế hiệu quả

Thứ tư, 8/11/2023 | 17:37 GMT+7
Trồng rừng gỗ lớn không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cao hơn cho các hộ gia đình mà còn giúp giảm xói mòn, góp phần bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu.

Đây là thông tin tại toạ đàm Nâng cao chuỗi giá trị rừng nguyên liệu, do Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp tổ chức nhằm tạo diễn đàn tháo gỡ các vướng mắc, tạo thuận lợi hơn cho phát triển vùng nguyên liệu rừng trồng gỗ lớn theo hướng đa giá trị, thúc đẩy xuất khẩu gỗ bền vững.

Tại tọa đàm, ông Vũ Thành Nam, Trưởng phòng Sử dụng rừng, Cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT cho biết, diện tích rừng thời gian qua tăng lên rất nhanh; kết quả này có được là nhờ triển khai tổng hợp các giải pháp tổng thể của Chính phủ, Trung ương, chính quyền địa phương, người dân trong đảm bảo độ che phủ rừng. Bên cạnh đó, việc giao đất, giao rừng được thực hiện rất hiệu quả, giúp rừng không những có chủ mà còn tạo điều kiện cho người dân trồng rừng tiêu thụ được sản phẩm do mình trồng, góp phần nâng độ che phủ rừng đạt mục tiêu đề ra. Ngoài ra, chính sách môi trường rừng cũng được các bên chú trọng, với chính sách trồng mới 5 triệu ha rừng, chính sách lâm nghiệp bền vững 5 năm, giúp đẩy nhanh tốc độ trồng rừng, tạo nguồn cung nguyên liệu gỗ cho xuất khẩu hiệu quả.

Trồng rừng gỗ lớn giúp phát triển kinh tế hiệu quả

Chia sẻ về việc cấp chứng chỉ rừng bền vững, ông Trần Lâm Đồng, Phó Giám đốc Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam cho biết, Việt Nam là quốc gia tiếp cận chứng chỉ rừng từ sớm và đã được cấp chứng chỉ rừng bền vững. Tuy nhiên, hiện nay rừng do bà con quản lý còn hạn chế, nhỏ lẻ. Năm 2018, Chính phủ đã phê duyệt đề án Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng, trong đó giao cho Bộ NN&PTNT xây dựng Hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia (VFCS) theo các tiêu chuẩn và yêu cầu của Hệ thống chứng chỉ rừng quốc tế PEFC, được PEFC công nhận, cho phép sử dụng nhãn mác và vận hành từ 2019. Đến nay, cả nước đã có khoảng 435.000ha rừng được cấp chứng chỉ, trong đó có 150.000ha chứng chỉ rừng VFCS/PEFC.

Ông Trần Lâm Đồng thông tin thêm, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu lâm sản, gỗ do đó việc đảm bảo các chứng chỉ rừng bền vững có vai trò quan trọng. Để đưa nhiều sản phẩm sang các thị trường khó tính, đòi hỏi cần có các chứng chỉ rừng bền vững giúp gia tăng giá trị sản phẩm lâm sản, tăng thu nhập cho người trồng rừng.

Theo ông Vũ Thanh Nam, Trưởng phòng Sử dụng rừng, Cục Lâm nghiệp, trồng rừng gỗ lớn mang lại lợi ích kinh tế cao hơn cho các hộ gia đình, giúp giảm xói mòn, qua đó góp phần bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu. Hiệu quả của trồng rừng gỗ lớn so với rừng gỗ nhỏ đã được khẳng định, trong đó Chính phủ cũng ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ người trồng rừng trồng rừng gỗ lớn, phát triển kinh tế hiệu quả. Tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức trong công tác bảo vệ rừng hiện nay.

Ông Trần Lâm Đồng cho rằng, với các giống cây lâm nghiệp phục vụ trồng rừng, ngoài keo, bạch đàn là những loại cây dễ trồng và quen thuộc thì chúng ta còn tiềm năng lớn về các loài cây về lâm sản ngoài gỗ như cây dược liệu, cây gỗ có giá trị khác. Thực hiện chủ trương của Bộ NN&PTNT về phát triển kinh tế dưới tán rừng, giá trị đa dụng của rừng, Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam khuyến cáo cần tăng cường phổ cập kiến thức về địa hình, hướng dẫn giống, kỹ thuật trồng cho người dân để tham gia phát triển hiệu quả kinh tế dưới tán rừng.

Minh Khang (T/H)