Kinh tế xanh

Việt Nam và Ai Cập thống nhất phối hợp ngoại giao khí hậu, thu hút tài chính xanh

Thứ tư, 1/11/2023 | 15:20 GMT+7
Mới đây, tại Thủ đô Cairo (Ai Cập), Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập phối hợp tổ chức hội thảo với chủ đề "Tăng trưởng xanh và ngoại giao khí hậu trong bối cảnh phục hồi kinh tế: Trao đổi kinh nghiệm trong thu hút tài chính xanh giữa Ai Cập và Việt Nam”.

Phát biểu tại hội thảo, Đại sứ Việt Nam tại Ai Cập Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh, biến đổi khí hậu là một thách thức toàn cầu, ảnh hưởng đến tất cả quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển, dễ bị tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu, giữa lúc các nước có ít nguồn lực để ứng phó với những rủi ro của biến đổi khí hậu. 

Theo Đại sứ, tác động của biến đổi khí hậu đối với nền kinh tế Việt Nam là rất lớn, gây thiệt hại khoảng 3,2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2020. Tại Ai Cập, biến đổi khí hậu đang làm gia tăng tình trạng mất an ninh nguồn nước và gây ra hiện tượng sóng nhiệt và sa mạc hóa, ảnh hưởng đến đa dạng sinh học và đe dọa an ninh lương thực. Dự báo đến năm 2060, tác động tổng hợp của biến đổi khí hậu đối với nguồn cung cấp nước, ngành nông nghiệp, chất lượng không khí và ngành du lịch có thể gây thiệt hại khoảng 2 - 6% GDP ở Ai Cập.

Đại sứ Việt Nam tại Ai Cập Nguyễn Huy Dũng phát biểu tại hội thảo

Đại sứ Nguyễn Huy Dũng cho biết, Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Ai Cập đã rất chú trọng đến thúc đẩy tăng trưởng xanh, coi đây là con đường phát triển bền vững trong bối cảnh kinh tế toàn cầu dần phục hồi sau đại dịch Covid-19 và những diễn biến bất ngờ trong quan hệ quốc tế.

Đại sứ cũng giới thiệu khái quát về Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 của Việt Nam. Theo đó, để đảm bảo phát triển bền vững và tăng trưởng xanh, Việt Nam quyết tâm đẩy mạnh áp dụng rộng rãi sản xuất sạch; nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải và hạn chế tốc độ gia tăng ô nhiễm; bảo vệ chất lượng môi trường, sức khỏe con người, đảm bảo phát triển bền vững; xây dựng văn hóa tiêu dùng văn minh, hài hòa, thân thiện với môi trường.

Tuy nhiên, chi phí cho quá trình chuyển đổi xanh và giảm lượng carbon ước tính khoảng 17 tỷ USD/năm. Thị trường vốn trong nước không thể đáp ứng được nhu cầu này, do đó quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam rất cần các nguồn lực bên ngoài. Trong trường hợp này, Đại sứ Nguyễn Huy Dũng cho rằng hai nước cần tận dụng ngoại giao khí hậu để thu hút các nguồn tài chính xanh nhằm thực hiện và hoàn thành các cam kết của mình.

Đại sứ Rao'f Saad, cố vấn Bộ trưởng Bộ Môi trường Ai Cập phụ trách các hiệp định đa phương đã nêu bật vai trò quan trọng của ngoại giao khí hậu trong việc huy động nguồn vốn cho các dự án xanh. Theo Đại sứ Rao'f Saad, Việt Nam và Ai Cập có cơ hội vàng để khởi động một giai đoạn mới của mối quan hệ song phương bằng cách đẩy mạnh ngoại giao khí hậu, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu và chuyển giao công nghệ bản địa.

Tại hội thảo, các diễn giả cũng nêu bật những khía cạnh lý luận, thực tiễn của ngoại giao khí hậu; nhấn mạnh hợp tác trong phát triển các công nghệ bản địa nhằm thoát khỏi sự phụ thuộc vào công nghệ của các quốc gia phát triển, hướng đến mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng xanh và tự chủ được công nghệ. Bên cạnh đó, các diễn giả cũng thảo luận về hợp tác trong các lĩnh vực ngân hàng, tài chính và khởi nghiệp nhằm đảm bảo nền kinh tế Việt Nam và Ai Cập thực hiện thành công chính sách tăng trưởng xanh của mỗi bên.

Ngọc Huyền (T/H)