Kinh tế xanh

Ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn để phát triển bền vững

Thứ năm, 26/10/2023 | 10:31 GMT+7
Mới đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Long đã phối hợp cùng nhiều trường đại học tổ chức hội thảo quốc gia với chủ đề “Kinh tế tuần hoàn - Hướng đi cho phát triển bền vững”.

Tại hội thảo, các diễn giả, nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu đến từ Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh, trường Đại học Kinh tế quốc dân, trường Đại học Cần Thơ và các cơ quan liên quan đã cùng chia sẻ, trao đổi vấn đề liên quan đến kinh tế tuần hoàn cả về lý luận lẫn thực tiễn.

TS. Bùi Quang Hùng, Phó Giám đốc Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh cho biết, khái niệm kinh tế tuần hoàn được đề cập vào năm 1990 với mô hình kinh tế mới dựa trên nguyên lý cơ bản “mọi thứ đều có thể là đầu vào đối với thứ khác”. Khi nhu cầu về nguyên liệu, nước và năng lượng ngày càng tăng do sự gia tăng dân số, gia tăng sản xuất, các hoạt động của nền kinh tế tuần hoàn có khả năng giải quyết một phần đáng kể nhu cầu này, làm giảm hoặc có thể đảo ngược sự gia tăng sử dụng tài nguyên, hạn chế biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường.

Trong bối cảnh hiện nay, việc chuyển đổi từ kinh tế tuyến tính truyền thống sang kinh tế tuần hoàn là thiết yếu đối với các quốc gia. Việt Nam đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi biến đổi khí hậu, việc chuyển đổi sang sản xuất tiêu dùng bền vững là một nhiệm vụ quan trọng nhằm hướng tới bền vững lâu dài. Điển hình như đồng bằng sông Cửu Long, vùng đất có nhiều tiềm năng nhưng cũng đang gặp không ít thách thức về chất lượng nguồn nhân lực, biến đổi khí hậu, ô nhiễm, nguồn tài nguyên, nguyên liệu thiên nhiên có xu hướng giảm. Thực tiễn đó đòi hỏi việc thay đổi cách tiếp cận, lựa chọn những phương thức phát triển mới để giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa kinh tế với môi trường trong bối cảnh mới.

Quang cảnh hội thảo

Ông Bùi Quang Hùng thông tin thêm, năm 2022, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, cho thấy phát triển kinh tế tuần hoàn trở thành xu hướng tất yếu, nhất là khi nguồn tài nguyên trên thế giới ngày càng cạn kiệt; mô hình này sẽ là công cụ thiết thực giúp ích cho Việt Nam trong thời gian tới.

Theo đó, sự kiện lần này tập trung chia sẻ, trao đổi về kinh tế tuần hoàn với sự phát triển bền vững, các nguyên lý, mô hình kinh tế tuần hoàn, nguồn lực để phát triển kinh tế gắn với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Hội thảo cũng nêu lên ứng dụng kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam thông qua phiên thảo luận chung và phiên song song. Các đại biểu tham dự đã đề xuất chính sách góp phần thực hiện hiệu quả kinh tế tuần hoàn, thúc đẩy phát triển bền vững tại Việt Nam, nhất là khu vực đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới.

Theo ông Nguyễn Khắc Nhu, nguyên Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Long, kinh tế tuần hoàn là xu thế, là một trong nhiều cách thức, mô hình kinh tế để phát triển và để đạt mục tiêu phát triển bền vững. Ngoài ra, cần có thêm các cơ chế, chính sách để khuyến khích phát triển một số loại hình kinh tế khác như kinh tế chia sẻ, kinh tế số… để bổ trợ. Trước mắt, Việt Nam cần hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật khuyến khích thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp đầu tư, phát triển công nghiệp tái chế, năng lượng tái tạo, thúc đẩy sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, xây dựng lộ trình để thực hiện kinh tế tuần hoàn từ vi mô (doanh nghiệp) đến vĩ mô (khu, cụm công nghiệp, vùng, tỉnh…), trong đó doanh nghiệp chính là động lực trung tâm.

Cần khuyến khích khởi nghiệp trên cơ sở tài nguyên bản địa, rác thải, từ đó hình thành, phát triển thị trường tái chế, thị trường nguyên vật liệu thứ cấp từ sản phẩm tái chế, đặc biệt trong bối cảnh thói quen của người tiêu dùng đang dần thay đổi, chuỗi cung ứng toàn cầu bị đảo lộn và buộc phải cơ cấu lại do dịch Covid-19.

Ngọc Mai (T/H)