Quốc tế

Trung Quốc đứng đầu thế giới về quy mô điện hạt nhân

Thứ hai, 28/4/2025 | 10:50 GMT+7
Trung Quốc hiện có 58 tổ máy điện hạt nhân thương mại đang vận hành với tổng công suất lắp đặt 60,96 triệu kilowatt và 44 tổ máy đang được xây dựng, tổng quy mô đứng đầu thế giới.

Ngày 27/4, tại Diễn đàn quốc tế phát triển bền vững năng lượng hạt nhân mùa xuân 2025, Hiệp hội ngành năng lượng hạt nhân Trung Quốc đã công bố Báo cáo phát triển năng lượng hạt nhân Trung Quốc (Sách Xanh).

Tổng vốn đầu tư hoàn thành cho xây dựng công trình điện hạt nhân trong nước Trung Quốc đạt 146,9 tỷ nhân dân tệ (20,12 tỷ USD) năm 2024, tăng 52 tỷ nhân dân tệ (7,12 tỷ USD) so với năm trước đó, tương ứng mức tăng 54,79%, lập kỷ lục cao nhất trong lịch sử.

Theo Sách Xanh, trong năm 2024, đầu tư vào điện hạt nhân của Trung Quốc đã liên tục phục hồi. Từ năm 2019 đến năm 2023, tổng vốn đầu tư hoàn thành cho xây dựng công trình điện hạt nhân lần lượt đạt 33,5 tỷ nhân dân tệ (4,59 tỷ USD), 37,8 tỷ nhân dân tệ (5,2 tỷ USD), 53,8 tỷ nhân dân tệ (7,36 tỷ USD), 67,7 tỷ nhân dân tệ (9,3 tỷ USD) và 94,9 tỷ nhân dân tệ (13 tỷ USD).

Từ năm 2022 đến nay, tiến độ phê duyệt các tổ máy điện hạt nhân của Trung Quốc đã tăng mạnh, ba năm liên tiếp mỗi năm phê duyệt từ 10 tổ máy trở lên. Năm 2024, Trung Quốc đã phê duyệt 5 dự án điện hạt nhân, bao gồm giai đoạn I dự án Từ Úy ở Giang Tô, giai đoạn I dự án Lục Phong ở Quảng Đông, giai đoạn I dự án Chiêu Viễn ở Sơn Đông.

Một dự án điện hạt nhân của CGN Power

Về bố trí quy hoạch điện hạt nhân, Sách Xanh đề xuất Trung Quốc cần tận dụng triệt để tài nguyên các địa điểm nhà máy điện hạt nhân ven biển hiện có, tích cực và có trật tự thúc đẩy phát triển các dự án; thông qua mở rộng địa điểm nhà máy hoặc tái sử dụng địa điểm nhà máy điện than đã nghỉ để gia tăng quỹ đất dự trữ cho điện hạt nhân. Đối với khu vực Hoa Trung, nơi nhu cầu tải điện lớn, vị trí vận hành lưới điện quan trọng và tài nguyên năng lượng tái tạo tương đối khan hiếm, Trung Quốc cần sớm khởi động xây dựng điện hạt nhân. Tại các trung tâm năng lượng tái tạo khu vực Tây Bắc, Trung Quốc có thể nghiên cứu ứng dụng điện hạt nhân làm nguồn điện hỗ trợ không carbon, thay thế một phần điện than, xây dựng hệ thống xuất khẩu điện đa năng tương hỗ.

Chủ tịch Hiệp hội ngành năng lượng hạt nhân Trung Quốc kiêm Chủ tịch Tập đoàn hạt nhân Trung Quốc (CGN) Dương Trường Lợi cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc có 58 tổ máy điện hạt nhân thương mại đang vận hành với tổng công suất lắp đặt 60,96 triệu kilowatt và 44 tổ máy đang được xây dựng với tổng công suất lắp đặt 52,35 triệu kilowatt, tổng quy mô đứng đầu thế giới. Bên cạnh đó, sản lượng phát điện hạt nhân của Trung Quốc năm 2024 đạt 444,7 tỷ kilowatt giờ, xếp thứ hai thế giới, chiếm 4,72% tổng sản lượng điện của Trung Quốc.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc gia Trung Quốc Vương Nghị Nhẫn cho biết, nếu giữ vững tốc độ và nhịp độ hiện tại, đến trước năm 2030, quy mô công suất điện hạt nhân đang vận hành của Trung Quốc sẽ vượt Mỹ, trở thành quốc gia đứng đầu thế giới. Đến năm 2040, công suất lắp đặt điện hạt nhân Trung Quốc dự kiến sẽ đạt 200 triệu kilowatt.

Bên cạnh việc đẩy mạnh xây dựng mới các tổ máy điện hạt nhân, Trung Quốc cũng đang đẩy nhanh tiến trình xây dựng thị trường điện lực thống nhất toàn quốc, tỷ lệ giao dịch điện thị trường của điện hạt nhân đã tăng từ khoảng 30% vào năm 2020 lên 46,1% vào năm 2024 và vẫn đang tiếp tục tăng đều. Trong quá trình xây dựng hệ thống điện mới, khi tỷ trọng năng lượng tái tạo gia tăng, các vấn đề như cân bằng điện - công suất theo thời gian thực, hỗ trợ tần số và điện áp lưới điện ngày càng nổi cộm. Trong tương lai, khi tỷ lệ phát điện từ than tiếp tục giảm, điện hạt nhân sẽ đóng vai trò là nguồn điện nền tảng ổn định, gánh vác vai trò đảm bảo phụ tải cơ bản, hỗ trợ an toàn lưới điện và đáp ứng ứng phó khẩn cấp.

Theo TTXVN