Nông nghiệp sạch

Tuyên Quang: Nhân rộng nuôi gà thịt an toàn sinh học

Thứ sáu, 5/7/2019 | 14:11 GMT+7
Triển khai mô hình nuôi gà thịt an toàn sinh học, người dân xã Hợp Thành (Sơn Dương - Tuyên Quang) được tập huấn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh, sử dụng thuốc kháng sinh...

Kết quả bước đầu

Những năm gần đây, đàn gà của huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) tăng mạnh, kéo theo sự gia tăng ô nhiễm môi trường, nguy cơ dịch bệnh, chất lượng sản phẩm không đảm bảo do người chăn nuôi lạm dụng chất kháng sinh.

Trước thực trạng trên, Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNT Tuyên Quang) triển khai mô hình chăn nuôi gà thịt an toàn sinh học tại HTX Chăn nuôi gia cầm Hợp Thành (xã Hợp Thành, huyện Sơn Dương).

Để đảm bảo hiệu quả, Chi cục phối hợp với HTX Hợp Thành tìm con giống, lựa chọn đơn vị cung cấp thức ăn, cung cấp vắcxin, thuốc thú y, hóa chất sát trùng có chất lượng tốt nhất.

Về mặt kinh phí, Chi cục hỗ trợ 1.000 con gà giống ri lai, hóa chất sát trùng, thuốc thú y, vắcxin, thức ăn cho hộ ông Lương Hồng Vinh. Tổ chức 2 lớp tập huấn về kỹ thuật cho xã viên của HTX, các hộ chăn nuôi gà trên địa bàn xã Hợp Thành.

Kết quả, tỷ lệ gà sống đạt hơn 98%, trọng lượng trung bình 2,2kg/con. Trong quá trình chăn nuôi không xảy ra dịch bệnh lớn; chất lượng gà được thương lái đánh giá cao, đặt mua 100%. Trừ chi phí, ông Vinh thu lãi 20,2 triệu đồng, tăng 10% so với nuôi thường.

Không đủ cung cấp cho thị trường

Ông Phạm Văn Hợi, Giám đốc HTX Chăn nuôi gia cầm Hợp Thành, cho biết, trước đây, xã viên dùng nhiều thuốc kháng sinh dẫn tới chất lượng thịt gà không tốt, mẫu mã kém, tỷ lệ chết tới 10 - 15%.

Tham gia mô hình, xã viên HTX được Chi cục hỗ trợ, hướng dẫn về kỹ thuật, dùng thuốc kháng sinh, vệ sinh chuồng trại, phòng chống dịch bệnh. Do vậy, lượng thức ăn không đổi, nhưng thuốc kháng sinh lại giảm, tỷ lệ gà sống gần như 100%, chất lượng thịt gà thơm, ngon, giá bán cao hơn. Trung bình người nuôi thu lãi 10 triệu đồng/1.000 gà.

Theo ông Hợi, giờ đây, đầu vào: con giống, thức ăn, thuốc thú y đã được HTX ký hợp đồng cung cấp; người chăn nuôi nắm vững kỹ thuật. Nhờ vậy, quy mô đàn gà của HTX nuôi theo mô hình sinh học tăng từ 3 vạn lên 7 vạn con, có hộ nuôi tới 1,2 vạn con. Bình quân mỗi gia đình thu lãi 10 - 15 triệu đồng/tháng. Hiện, gà nuôi theo hình thức an toàn sinh học không đủ cung cấp cho thị trường.

Theo ông Nguyễn Văn Vinh, xã viên HTX Hợp Thành, khi được tập huấn, ông đã nắm được kỹ thuật, kịp thời phát hiện và trị bệnh cho gà, từ đó nâng cao năng suất, chất lượng gà thịt, sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng.

Ông Nguyễn Văn Thuấn, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông- lâm sản và thủy sản Tuyên Quang đánh giá, trước đây, các hộ chăn nuôi khá dè chừng, khâu yếu nhất của người chăn nuôi là kỹ thuật. Thông qua mô hình, Chi cục hỗ trợ con giống, hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao kiến thức cho người nuôi về an toàn thực phẩm, đặc biệt về an toàn sinh học. Chi cục đã giới thiệu các công ty bán giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y. Qua đó, HTX và người chăn nuôi chủ động ký kết để có đầu vào ổn định.

“Trong năm 2019, Chi cục sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình trên địa bàn toàn tỉnh để các hộ chăn nuôi có điều kiện tiếp cận, học tập kinh nghiệm và kỹ thuật mới để đưa vào sản xuất; thay đổi từ hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ, tự phát sang chăn nuôi hàng hóa, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, đáp ứng các yêu cầu của thị trường”, ông Thuấn nói.

Theo kinhtenongthon.vn