Văn hóa, du lịch

Ứng dụng công nghệ 4.0 để bảo tồn di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Thứ ba, 16/11/2021 | 11:07 GMT+7
Ngày 15/11, Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám trên nền tảng công nghệ 4.0”.

Theo thông tin từ ban tổ chức, hội thảo nằm trong chuỗi hoạt động thiết thực chào mừng Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11) và hưởng ứng chuỗi hoạt động Tuần lễ Thiết kế Việt Nam 2021.

Tại hội thảo, các học giả, chuyên gia công nghệ và đơn vị lữ hành đã phân tích thực trạng, giải pháp và tiềm năng ứng dụng công nghệ trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản tại khu di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Ứng dụng nền tảng công nghệ 4.0 vào bảo tồn, phát huy giá trị di sản tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, PGS. TS. Đặng Văn Bài khẳng định: Nếu chúng ta biết vận dụng công nghệ số thì giáo dục di sản sẽ đạt hiệu quả cao hơn. Công nghệ số tạo ra sản phẩm hiện thực ảo, cung cấp cho du khách nhiều cơ hội lĩnh hội văn hóa, chủ động tìm hiểu cái mình cần, dễ dàng thu thập kiến thức. Để làm được điều này, các cơ quan cần chủ động, sáng tạo xây dựng các sản phẩm ứng dụng công nghệ 4.0.

Trong bối cảnh công nghệ 4.0 được ứng dụng vào mọi mặt đời sống xã hội với nhiều ứng dụng rộng rãi như: điện toán đám mây, big data, trí tuệ nhân tạo tương tác 3D, công nghệ thực tế ảo AR/VR, ảnh 360 độ tương tác… việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám dựa trên nền tảng trên là hướng đi đúng đắn, bắt kịp sự phát triển của thời đại.

Bà Phạm Thị Mỹ Hoa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết, hội thảo có ý nghĩa thiết thực, là nơi trao đổi, chia sẻ, cập nhật các quan điểm, sự chuyển đổi phương pháp và cách tiếp cận giải pháp công nghệ. Đây cũng là dịp để xây dựng các sản phẩm dựa trên nền tảng công nghệ giúp hoạt động của di tích trở nên hiệu quả, phù hợp hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách tham quan, chuẩn bị sẵn sàng đón khách tham quan trở lại. 

Tại buổi hội thảo, Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng giới thiệu một màn trình diễn công nghệ 3D Mapping tại sân nhà Thái học để các chuyên gia, học giả có thể tham khảo, góp ý. Cùng với đó, các sản phẩm ứng dụng công nghệ hiện đại cũng được hướng tới thực hiện tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám như: hệ thống thuyết minh tự động gồm 12 ngôn ngữ theo tiêu chuẩn quốc tế; ứng dụng tương tác thông tin di sản đa phương tiện trên điện thoại thông minh (tương tác mã QR); hệ thống trợ lý du lịch ảo ứng dụng công nghệ thông minh nhân tạo AI...

Minh Khang