Ứng dụng công nghệ để nâng cao năng lực ứng phó với thiên tai ngày càng cực đoan

Thứ tư, 9/10/2024 | 16:17 GMT+7
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà giao các cơ quan có chức năng dự báo, cảnh báo, giám sát như khí tượng thuỷ văn, đê điều, hồ chứa… đề xuất dự án đầu tư, ứng dụng công nghệ để phân tích, xây dựng các mô hình mô phỏng phục vụ công tác phòng, chống thiên tai.

Đây là nội dung tại cuộc họp đánh giá công tác bảo đảm thông tin chỉ đạo, điều hành trong phòng, chống thiên tai, tình huống khẩn cấp; kết quả triển khai Luật Phòng thủ dân sự, xây dựng nghị định và tổ chức Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia, được tổ chức tại Trung tâm Thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ diễn ra ngày 9/10.

Chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm thông tin xuyên suốt trong mọi tình huống thiên tai, khẩn cấp, bất khả kháng như trong cơn bão số 3 (Yagi) vừa qua, đặc biệt là kết nối đến thực địa, hiện trường, tổng hợp và cung cấp theo thời gian thực dữ liệu quan trắc, quan sát, lập mô hình mô phỏng phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành… Đây là nhiệm vụ khó khăn, nặng nề cần tiếp tục đầu tư, nâng cấp bảo đảm hệ thống thông tin chỉ đạo điều hành bền vững, thống nhất, tập trung, chia sẻ từ Chính phủ, Bộ, ngành, cơ quan chuyên môn, nghiệp vụ đến các địa phương.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chỉ đạo tại cuộc họp

Phó Thủ tướng giao cơ quan có chức năng dự báo, cảnh báo, giám sát như khí tượng thủy văn, đê điều, hồ chứa… rà soát, đề xuất dự án đầu tư, ứng dụng công nghệ, phần mềm trí tuệ nhân tạo để phân tích, xây dựng mô hình mô phỏng phục vụ công tác chỉ đạo, ra quyết định.

Trong đó, các Bộ, ngành cần rà soát đề xuất dự án đầu tư, nâng cấp trạm quan trắc khí tượng, thủy văn, viễn thông… đồng bộ với hạ tầng năng lượng, đường truyền viễn thông để có thể chống chịu được với siêu bão, hiện tượng thiên tai ngày càng cực đoan hoặc những tình huống bất khả kháng, khẩn cấp; nghiên cứu, ban hành quy chuẩn mới về hạ tầng viễn thông, năng lượng, giao thông… Xây dựng cơ chế phối hợp giữa cơ quan chuyên môn, nghiệp vụ, lực lượng của địa phương trong dự báo, quan trắc, giám sát, cung cấp thông tin, cảnh báo nguy cơ thiên tai như sạt lở, lũ quét. Lưu ý, các Bộ, ngành, cơ quan phải rà soát, làm rõ dự án đầu tư dùng chung, đầu tư chuyên ngành, sử dụng nguồn lực xã hội hóa, bảo đảm hiệu quả, không chồng chéo.

Về công tác phòng thủ dân sự, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu, trong quá trình kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia, các Bộ, ngành rà soát, chuyển giao nhiệm vụ được giao trong Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, kèm theo cơ chế tài chính cho các cục, vụ chuyên môn tiếp tục thực hiện.

Bộ Quốc phòng khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành quyết định tổ chức lại Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia và quy chế hoạt động theo hướng tinh gọn tổ chức nhưng kế thừa, không thay đổi các nhiệm vụ cần thiết để phục vụ phòng, chống thiên tai, ứng phó tình huống khẩn cấp.

Ngoài ra, Bộ Quốc phòng cần bám sát, cụ thể hóa các nội dung trong Luật Phòng thủ dân sự do Chính phủ quy định như: tiêu chí xác định các cấp độ của từng loại hình phòng thủ dân sự, rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm; phạm vi hoạt động của quỹ phòng thủ dân sự và quỹ phòng, chống thiên tai, nhiệm vụ chi quản lý chuyên ngành; kiện toàn, bổ sung nhiệm vụ cho Cục Cứu hộ - Cứu nạn, cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia; thời hạn hoàn thành việc kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự tại địa phương.

Cuối cùng, Phó Thủ tướng giao Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, đơn vị liên quan xây dựng dự án tổng thể tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, nâng cao năng lực, của hoạt động phòng thủ dân sự trong bối cảnh, tình hình mới.

Minh Khang (T/H)