Sắc màu cuộc sống

Vài suy nghĩ từ việc thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản

Thứ năm, 12/11/2015 | 17:42 GMT+7
Tháng 4 năm 2014, Lễ phát động và thả các loài cá do Chi cục Thủy sản và Hiệp hội Thủy sản Tỉnh Đồng Tháp tổ chức nhằm thực hiện việc bảo tồn và tái tạo nguồn lợi thủy sản tự nhiên.

Hoạt động ý nghĩa này đã mang hơn 500 ngàn con cá con được thả về với thiên nhiên. Thời gian gần đây, việc thả cá đã được các tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long xem như là một hoạt động thường niên.

Nhờ vậy mà số lượng cá trong tự nhiên phần nào đã được tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, việc thả cá này dường như là “đem muối bỏ biển” khi mà hàng ngày nhiều chiếc ghe cào được trang bị dụng cụ xung điện vẫn chạy ngang dọc trên khắp các dòng sông.

Còn ở các kênh rạch thì số người mang theo bình ắc quy và bộ kích điện vẫn còn rảo bước mọi nơi. Dẫu biết, các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm. Nhưng vì lợi ích trước mắt, vì là nguồn thu nhập của nhiều gia đình nên việc đánh bắt cá chẳng những không giảm mà còn có xu hướng tăng hơn.

Vậy nên ngoài việc tịch thu thiết bị, xử phạt tiền thì vấn đề cốt lõi nằm ở chỗ là phải làm sao để tuyên truyền đến từng nhà, từng người dân bỏ nghề đánh bắt cá và tạo điều kiện chuyển đổi nghề nghiệp, cơ hội việc làm để có thu nhập.

Việc nữa là nên chăng, các tổ chức cần nhân rộng, duy trì và phổ biến hơn việc thả cả vào môi trường tự nhiên. Chứ không dừng lại việc phát động mỗi năm một lần như vậy. Và do số lượng còn ít ỏi nên đôi khi việc tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức vẫn còn chưa thấm nhiều vào trong suy nghĩ của bà con nông dân. Vẫn chưa có nhiều những nhóm, hội, tổ chức thiện nguyện cùng chung tay, xoắn áo vào thực hiện những chương trình mang nhiều ý nghĩa như thế này.

Ngoài ra, cũng mong rằng trong tương lai sắp tới cũng sẽ có nhiều hơn những ngày hội thả các loại động vật khác diễn ra, để nhằm bổ sung về số lượng lẫn chủng loại động vật đã bị con người khai thác tận diệt và đang có nguy cơ cạn kiệt như hiện nay.

PV/Nguyễn Trường Vũ