Năng lượng gió

Vì sao điện gió ngoài khơi khó triển khai?

Thứ năm, 26/8/2021 | 00:52 GMT+7
Việt Nam được đánh giá là quốc gia có những điều kiện tự nhiên tốt nhất Châu Á để phát triển các dự án điện gió ngoài khơi với đường biển dài hơn 3.000km, mực nước biển thấp và tốc độ gió thổi thường xuyên ở mức cao. Mặc dù đã có một số dự án lớn đăng ký đầu tư nhưng chủ yếu vẫn đang ở giai đoạn thăm dò, vì thế đến nay, chưa có một dự án ngoài khơi nào được triển khai...

Việt Nam có tiềm năng lớn về điện gió ngoài khơi.


Theo Dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Dự thảo Quy hoạch điện VIII), công suất điện gió ngoài khơi đạt từ 2.000 MW – 3.000 MW và chiếm từ 1,45% đến 2% trong tổng công suất nguồn điện đến năm 2030.

Tuy nhiên, các tổ chức năng lượng quốc tế khuyến nghị, Việt Nam nên tăng công suất điện gió ngoài khơi đến năm 2030 lên 10.000 MW để thu hút các nhà đầu tư.

 “THUẬN GIÓ” KHÔNG LO THIẾU ĐIỆN


Các chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng nhấn mạnh, việc phát triển điện gió ngoài khơi là một trong các giải pháp hữu hiệu đối với Việt Nam với tiềm năng và lợi thế có thể đảm bảo mục tiêu cung cấp đủ điện với giá điện ngày càng giảm, không phải phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, tạo ra nhiều công việc mới, giảm phát thải khí cacbon theo cam kết của Chính phủ Việt Nam.

Vì sao điện gió ngoài khơi khó triển khai? - Ảnh 1
Mặc dù, tiềm năng điện gió ngoài khơi hiện chưa được đánh giá đầy đủ, song căn cứ theo số liệu đánh giá tiềm năng lý thuyết/kỹ thuật của Ngân hàng Thế giới (WB) thì tiềm năng điện gió ngoài khơi của Việt Nam rất lớn lên tới 475.000 MW, tập trung chủ yếu vùng Trung bộ, Nam Trung bộ và một phần duyên hải Bắc bộ.

Một nghiên cứu khác của cơ quan năng lượng Đan Mạch (DEA) gửi cho Bộ Công Thương năm 2020, đã đánh giá chi tiết tiềm năng kỹ thuật theo một số tiêu chí loại trừ như: Luồng hàng hải; Khu vực bảo tồn, cấm khai thác; Mỏ khai thác dầu khí; Khoảng cách đến bờ và độ sâu đáy biển; Vùng gió bão khắc nghiệt và động đất; Cáp ngầm dưới biển. Kết quả đánh giá tiềm năng kỹ thuật của điện gió ngoài khơi khoảng 162.000 MW. Trong đó, điện gió ngoài khơi móng cố định (độ sâu đáy biển≤50m) khoảng 132.000 MW và móng nổi khoảng 30.000 MW.

Xác định năng lượng từ biển có một tiềm năng vô cùng lớn, Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 khẳng định, ưu tiên phát triển điện gió và điện mặt trời phù hợp với khả năng bảo đảm an toàn hệ thống với giá thành điện năng hợp lý.

Trong đó, xây dựng các chính sách hỗ trợ và cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi gắn với triển khai thực hiện Chiến lược biển Việt Nam.

Trên thực tế, phát triển điện gió đã được Chính phủ đề cập từ khá sớm, năm 2011, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam và đến năm 2018, tiếp tục ban hành Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg sửa đổi Quyết định 37/2011/QĐ-TTg.

Ngay sau đó, Bộ Công Thương đã có Thông tư số 02/2019/TT-BCT về quy định thực hiện phát triển dự án điện gió và Hợp đồng mua bán điện mẫu cho dự án điện gió. Nhờ đó, Việt Nam đã có 533 MW điện gió trên bờ và gần bờ, dự kiến con số này sẽ tăng lên 5.866 MW vào cuối năm 2021.

Mặc dù đã có cơ chế và Thông tư hướng dẫn hợp đồng mua bán điện mẫu đối với dự án điện gió ngoài khơi, nhưng cho đến nay chưa có dự án ngoài khơi nào được triển khai ở Việt Nam (không kể các dự án điện gió gần bờ).

Hiện trạng này một phần do còn thiếu một số các quy định và tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng cho điện gió ngoài khơi, trong đó có hướng dẫn chi tiết nội dung đánh giá, kiểm soát môi trường và xã hội.

CẦN MỘT CHÍNH SÁCH RÕ RÀNG, CỤ THỂ


Nêu lên thực tế trên, tại tọa đàm trực tuyến về “Phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam: Các quy định đánh giá tác động môi trường và xã hội” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) cùng Sáng kiến về Chuyển dịch Năng lượng Việt Nam (VIET) phối hợp tổ chức mới đây, bà Cao Thị Thu Yến, đại diện nhóm nghiên cứu Khảo sát “Tiềm năng chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi tại Việt Nam” thuộc VIET, cho rằng chính sách môi trường xã hội của Ngân hàng Thế giới đưa ra các hướng dẫn môi trường cho năng lượng gió khá đầy đủ và có thể thực hiện tốt.

Tuy nhiên, khi rà soát các văn bản pháp luật của Việt Nam liên quan đến đánh giá tác động môi trường thì quy định về khảo sát dự án vẫn còn vắn tắt, ngắn gọn và không có hướng dẫn chi tiết cụ thể.

Ở giai đoạn xét duyệt dự án, dù đã có các khung hướng dẫn tổng quát về báo cáo đánh giá tác động môi trường, nhưng ở mặt sinh thái và xã hội vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể, khiến cho các báo cáo đánh giá tác động môi trường trong nước còn chênh lệch so với tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt chưa có hướng dẫn riêng cho điện gió ngoài khơi.

Bổ sung thêm, PGS Nguyễn Chu Hồi, Phó Chủ tịch Hiệp hội nghề cá Việt Nam, cho biết ở giai đoạn đánh giá môi trường sơ bộ, nếu các quy định rõ ràng, chi tiết sẽ giúp Nhà nước sàng lọc các dự án “quá nâu, quá đen”, các dự án có nhiều tác động đến vùng biển, môi trường, sinh thái, đánh bắt thủy sản…Quan trọng nhất là khảo sát môi trường phải làm cẩn thận, đơn cử như tác động của âm thanh dưới biển với san hô và với các loài sinh vật như thế nào; phân vùng chức năng ra sao để tránh việc chồng lấn giữa phát triển điện gió, dầu khí, khai thác thủy sản.

Chủ tịch VUSTA Phan Xuân Dũng cho biết theo kinh nghiệm của các nước đi trước, khung chính sách toàn diện gồm luật, tiêu chuẩn và các hướng dẫn chi tiết nội dung đánh giá, kiểm soát tác động môi trường và xã hội càng cụ thể thì dự án càng dễ dàng phát triển.

Tại Việt Nam, mặc dù vấn đề môi trường và xã hội được quy định trong một số luật như bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, quản lý tài nguyên... nhưng đối với tính phức hợp của dự án điện gió ngoài khơi (sử dụng cả tài nguyên biển và tài nguyên trên bờ) vẫn cần có sự đồng nhất giữa các văn bản luật và dưới luật, hơn nữa là tính cụ thể của các yêu cầu, kế hoạch thực hiện, sự giám sát chặt chẽ về môi trường và xã hội nhằm khuyến khích các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư phát triển điện gió ngoài khơi.

Theo đề xuất của VIET, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần chi tiết hóa các quy định của Luật Bảo vệ môi trường về đánh giá sơ bộ tác động môi trường cho điện gió ngoài khơi bằng một khung hướng dẫn riêng. Đồng thời hoàn thiện khung hướng dẫn chung về đánh giá tác động môi trường theo tiêu chuẩn quốc tế.

Đặc biệt, Chính phủ cần có những quy định rõ ràng, phân biệt khu vực biển gần bờ và ngoài khơi để có chính sách phát triển điện gió phù hợp với thực tiễn.

Về lâu dài, rủi ro xây dựng công trình trên biển chắc chắn có thể giảm theo sự tiến bộ khoa học công nghệ, nhưng rủi ro về chính sách và quy định vẫn khó giảm đối với các nhà đầu tư nếu các nhà hoạch định chính sách không giải quyết những vấn đề này một cách thỏa đáng.

Theo vneconomy.vn