Việt Nam được đánh giá cao về mức độ đa dạng sinh học

Thứ ba, 12/3/2024 | 10:26 GMT+7
Theo bảng xếp hạng về mức độ đa dạng sinh học trên thế giới năm 2024, Việt Nam là 1 trong 20 quốc gia được đánh giá cao về mức độ đa dạng sinh học.

Cụ thể, trong danh sách 20 quốc gia có mức độ đa dạng sinh học cao nhất trên thế giới, Việt Nam xếp thứ 14 với chỉ số đa dạng sinh học 221,77. Theo danh sách công bố, Việt Nam cũng là 1 trong 3 quốc gia Đông Nam Á được đánh giá cao về mức độ đa dạng sinh học, xếp sau Indonesia (vị trí thứ 2) và trên Malaysia (vị trí 15).

So với thời điểm cuối năm 2022, Việt Nam tăng thêm 2 hạng trong danh sách các quốc gia giàu đa dạng sinh học, từ vị trí 16 (tháng 12/2022). Sự thay đổi này cho thấy Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.

Việt Nam là 1 trong 20 quốc gia giàu đa dạng sinh học nhất thế giới

Theo thống kê của Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến năm 2023, Việt Nam có ít nhất 21/25 quần thể sinh vật của thế giới; 178 khu bảo tồn thiên nhiên, trong đó có 34 vườn quốc gia; 59 khu dự trữ thiên nhiên; 23 khu bảo tồn loài và sinh cảnh; 62 khu bảo vệ cảnh quan.

Đến nay, Việt Nam có 9 khu Ramsar; 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận; 12 vườn di sản ASEAN; 1 vùng chim nước di cư quan trọng quốc tế tuyến đường bay Australia - Đông Á (EAAFP); hơn 101 khu vực đa dạng sinh học quan trọng. Việt Nam cũng được đánh giá là một trong những khu vực quan trọng bậc nhất trong mạng lưới các tuyến đường bay chim di cư và các loài chim đặc hữu với 63 vùng chim quan trọng toàn cầu, 7 vùng chim đặc hữu.

Về hệ động thực vật, Việt Nam hiện có khoảng 62.600 loài sinh vật đã được xác định, trong đó khoảng 3.500 loài động vật không xương sống và cá nước ngọt, 1.932 loài động vật có xương sống trên cạn và có trên 11.000 loài sinh vật biển. Hàng năm, nhiều loài mới tiếp tục được phát hiện và ghi nhận có tồn tại Việt Nam.

Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) đánh giá Việt Nam là một trong những quốc gia có mức độ đa dạng sinh học cao nhất thế giới với nhiều hệ sinh thái khác nhau, bao gồm núi, rừng nhiệt đới, núi đá vôi/khoáng, hệ sinh thái biển và ven biển; với hơn 100 loài chim và hơn 10% các loài thực vật của Việt Nam có tính đặc hữu.

Trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học, thời gian qua, Việt Nam đã tích cực triển khai nhiều hoạt động, kế hoạch như: có hệ thống các khu bảo tồn thiên nhiên được thiết lập, theo quy hoạch và chiến lược là 9% diện tích khu bảo tồn trên cạn, 3 - 5% diện tích vùng ven biển; mở rộng diện tích các khu bảo tồn, bằng cách lồng ghép các yêu cầu về bảo tồn đa dạng sinh học trong các sinh cảnh sản xuất, sinh cảnh ngoài khu vực bảo tồn.

Đồng thời, Việt Nam đang nỗ lực hoàn thiện hành lang pháp lý để hỗ trợ công tác bảo tồn đa dạng sinh học; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các cơ chế chính sách liên quan đến quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia, xác định các đối tượng cần phải ưu tiên bảo vệ, bảo tồn từ nay tới 2030; ưu tiên bảo tồn các loài nguy cấp, quý hiếm; kiểm soát các loài ngoại lai xâm hại; xây dựng cơ sở dữ liệu quan trắc đa dạng sinh học…

Thanh Bảo (T/H)