Việt Nam thiệt hại khoảng 1,3 tỷ USD trong tháng 10/2020 do bão lũ

Thứ sáu, 13/11/2020 | 11:37 GMT+7
Bất chấp tình hình kinh tế đang có nhiều biến động do dịch COVID-19, kinh tế Việt Nam đang dần hồi phục và có bước tiến vững chắc. Tuy nhiên, những tháng vừa qua Việt Nam đã phải đón nhận hơn 5 cơn bão lớn, gây nhiều thiệt hại nặng cho nền kinh tế.

Theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), trong tháng 10/2020, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi vững chắc khi cả sản xuất công nghiệp và bán lẻ đều tăng hơn 6,5% (so với cùng kỳ năm trước), cao nhất kể từ khi bùng phát dịch COVID-19 vào tháng 2 năm 2020.

Doanh số bán lẻ hàng hóa 10 tháng đầu năm 2020 tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 9,4%; đồ dùng, dụng cụ và thiết bị gia đình tăng 6,3%; quần áo tăng 1,6%.

Nhờ kim ngạch xuất khẩu tăng gần 10%, thặng dư thương mại hàng hóa của Việt Nam đạt 17,7 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm 2020, trong khi cam kết vốn FDI tháng trước đạt 2,27 tỷ USD, giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của Việt Nam và là nam châm thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Trong 10 tháng đầu năm 2020, cả nước đã thu hút được 23,5 tỷ USD vốn FDI, thấp hơn khoảng 19,4% so với cùng kỳ năm 2019, nhưng đây vẫn là một thành tựu nổi bật bởi Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) dự báo dòng vốn FDI vào các nước Đông Á sẽ giảm 30 - 45% trong năm 2020.

Các chỉ số tài chính vẫn ổn định trong tháng 10, trong đó tỷ lệ lạm phát ở mức 2,5% (so với cùng kỳ năm trước) và tăng trưởng tín dụng đạt 9,5%, ngay cả khi Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất tái cấp vốn và tái chiết khấu thêm 0,5%.

Trong khi nền kinh tế dường như đang trên đà phục hồi vững chắc và trên diện rộng thì những thiệt hại nặng nề về người và tài sản do thiên tai gây ra trong thời gian gần đây lại cho thấy sự cần thiết phải xây dựng lại các công trình tốt hơn, xanh hơn và nâng cao khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu của nền kinh tế và tài chính công.

Bão lũ ở khu vực miền Trung đã gây nhiều thiệt hại nặng nề cả về người và tài sản

Thiệt hại về kinh tế do các cơn bão gần đây gây ra ước tính lên tới 29.300 tỷ đồng (1,3 tỷ USD). Từ đầu tháng 10 đến nay, miền Trung liên tiếp hứng chịu 5 cơn bão gây mưa lớn và kéo dài, lũ lụt và sạt lở đất nghiêm trọng. Bão lũ đã làm 243 người chết và mất tích. Ước tính có khoảng 7,7 triệu người sống trong các khu vực bị ảnh hưởng và khoảng 219.000 ngôi nhà bị hư hỏng hoặc phá hủy.

Chi tiêu công đang tăng do gói kích thích tài khoá để khôi phục kinh tế hậu COVID-19 và các chi phí dự kiến cần để tái thiết sau bão lũ. Tổng thu ngân sách 10 tháng đầu năm 2020 giảm 10,3% so với cùng kỳ năm 2019 do các hoạt động kinh tế đi xuống và chính sách hoãn nộp thuế để hỗ trợ doanh nghiệp. Trong khi đó, tổng chi ngân sách tăng 9,7% so với 10 tháng đầu năm 2019. Riêng chi đầu tư công tăng 50,3% nhờ Chính phủ tích cực thúc đẩy giải ngân, từ mức 54,7% vào tháng 10/2019 lên đến mức 68,3% vào tháng 10/2020. Đồng thời, những thiệt hại nghiêm trọng do các trận bão trong tháng 10 gây ra cho miền Trung và ngân sách cần huy động để thực hiện các hoạt động hỗ trợ và tái thiết dự kiến sẽ tạo thêm áp lực lên dư địa tài khóa vốn đang bị thu hẹp trong những tháng tới.

Do vậy, Báo cáo của WB đồng thời đưa ra khuyến nghị cần khẩn trương xây dựng chiến lược tăng cường khả năng chống chịu mới, nếu không, hàng tỷ USD tăng trưởng kinh tế trong thập kỷ tới sẽ bị cuốn sạch bởi các thảm họa thiên nhiên.

Cụ thể, cần cải thiện các công cụ dữ liệu; cân nhắc yếu tố rủi ro trong quy hoạch phân vùng và không gian; tăng cường khả năng chống chịu của hệ thống cơ sở hạ tầng và dịch vụ công; tận dụng các giải pháp dựa trên tự nhiên; nâng cao năng lực phòng ngừa và ứng phó với thiên tai.

Thanh Tâm