Xây dựng chính sách pháp luật ngành tài nguyên nước bám sát thực tiễn phát triển hơn

Thứ sáu, 21/7/2023 | 14:22 GMT+7
Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội vừa phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tổ chức Hội nghị Triển khai kế hoạch tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Tại hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy và Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh cùng chỉ đạo các đơn vị chuyên môn của hai cơ quan xây dựng kế hoạch phối hợp, hợp tác toàn diện ở tất cả các lĩnh vực, trên cơ sở bám sát các chủ trương của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, các quy hoạch quốc gia, để cùng xây dựng chính sách pháp luật của ngành tài nguyên môi trường ngày càng thiết thực, hiệu quả, đáp ứng được thực tiễn phát triển.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy ghi nhận, thời gian qua, Ủy ban cùng Bộ TN&MT phối hợp rất tích cực trong việc xây dựng các văn bản pháp luật, giám sát các vấn đề lớn từ thực tiễn như: rác thải, bảo vệ môi trường làng nghề, môi trường khu, cụm công nghiệp… từ đó đồng hành, chung sức để hoàn thiện dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội và Bộ trưởng Bộ TN&MT chủ trì hội nghị

Theo ông Lê Quang Huy, hiện Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội còn 5 vấn đề cần Bộ TN&MT làm rõ trong trong quá trình xây dựng Luật sửa đổi. Bao gồm: phạm vi điều chỉnh của Luật có bao gồm những nội dung liên quan đến nước khoáng thiên nhiên; nước biển, nước dưới đất và vùng lãnh hải không?; việc phân định rõ chức năng quản lý điều hòa, phân phối nguồn nước và việc đầu tư, xây dựng, quản lý công trình khai thác, sử dụng nước; phạm vi quản lý nhà nước về cấp nước sinh hoạt đô thị và nông thôn; vấn đề về tuần hoàn, tái sử dụng nước và tổ chức lưu vực sông.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành cho biết, việc quản lý nước khoáng, nước nóng thiên nhiên đang được điều chỉnh tại Luật Khoáng sản, do vậy, Bộ sẽ xem xét, đánh giá tác động, nghiên cứu kỹ lưỡng để quyết định việc đưa 2 đối tượng này vào phạm vi điều chỉnh của Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Việc phân định rõ chức năng quản lý tài nguyên nước giữa các Bộ, ngành là nội dung cần sửa đổi, bổ sung để làm rõ hơn so trong Luật sửa đổi, đặc biệt phải làm rõ nhiệm vụ quản lý thống nhất về tài nguyên nước, nguồn nước và đảm bảo an ninh nguồn nước của Bộ TN&MT, các Bộ theo chức năng, nhiệm vụ quản lý đầu tư, xây dựng, vận hành công trình. Đồng thời, việc khuyến khích rộng rãi tổ chức, cá nhân có điều kiện áp dụng các biện pháp tuần hoàn, tái sử dụng nước cần có chính sách ưu đãi, hỗ trợ cụ thể để doanh nghiệp xem xét, tính toán chi phí và lợi ích.

Bên cạnh đó, Bộ TN&MT thống nhất ưu tiên là chính sách khuyến khích và ưu đãi tập trung vào khu vực khan hiếm nước, khu vực nguồn nước không còn khả năng chịu tải và xác định trách nhiệm và lộ trình thực hiện của chính quyền địa phương đối với hoạt động này. Việc thành lập các tổ chức lưu vực sông đảm bảo không phình thêm bộ máy, tổ chức theo hướng tinh gọn, hiệu quả.

Đối với nội dung tuần hoàn và tái sử dụng nước, Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh đây là bài toán về lợi ích kinh tế của doanh nghiệp, nếu không xem xét kỹ sẽ có sự mâu thuẫn với chính sách thu hút đầu tư của nước ta. Việc khuyến khích rộng rãi tổ chức, cá nhân có điều kiện áp dụng các biện pháp tuần hoàn, tái sử dụng nước cần có chính sách ưu đãi, hỗ trợ cụ thể để doanh nghiệp xem xét, tính toán chi phí và lợi ích. Theo đó, cơ quan soạn thảo cũng thống nhất ưu tiên là chính sách khuyến khích và ưu đãi tập trung vào khu vực khan hiếm nước, khu vực nguồn nước không còn khả năng chịu tải và xác định trách nhiệm, lộ trình thực hiện của chính quyền địa phương đối với hoạt động này.

Khả Như (T/H)