Yêu cầu về năng lực của tổ chức, cá nhân khai thác đập, hồ chứa nước

Thứ năm, 29/6/2023 | 11:27 GMT+7
Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 40/2023/NĐ-CP sửa đổi một số yêu cầu về năng lực tối thiểu đối với tổ chức, cá nhân khai thác đập, hồ chứa nước.

Nghị định 40/2023/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 67/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Thủy lợi. Theo đó, Nghị định sửa đổi, bổ sung Điều 8: Yêu cầu về năng lực tối thiểu đối với tổ chức, cá nhân khai thác đập, hồ chứa nước. Cụ thể, đối với đập, hồ chứa quan trọng đặc biệt cần bố trí ít nhất 7 kỹ sư chuyên ngành thủy lợi, trong đó có ít nhất 2 người có thâm niên quản lý, khai thác đập, hồ chứa nước từ 5 năm trở lên và phải được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý, khai thác đập, hồ chứa nước.

Đối với đập, hồ chứa nước lớn, nếu có dung tích trữ từ 50.000.000 m3 trở lên cần  bố trí ít nhất 5 kỹ sư chuyên ngành thủy lợi, trong đó có ít nhất 2 người có thâm niên quản lý, vận hành đập, hồ chứa nước từ 5 năm trở lên và phải được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý, khai thác đập, hồ chứa nước. Đập, hồ chứa có dung tích trữ từ 10.000.000 m3 đến dưới 50.000.000 m3 cần bố trí ít nhất 3 kỹ sư chuyên ngành thủy lợi, trong đó có ít nhất 1 người có thâm niên quản lý, vận hành đập, hồ chứa nước từ 5 năm trở lên và phải được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý, khai thác đập, hồ chứa nước. Đập, hồ chứa lớn còn lại, trừ đập, hồ chứa lớn quy định tại điểm a, điểm b khoản này: bố trí ít nhất 2 kỹ sư chuyên ngành thủy lợi và phải được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý, khai thác đập, hồ chứa nước.

Sửa đổi yêu cầu về năng lực tối thiểu đối với tổ chức, cá nhân khai thác đập, hồ chứa nước

Đối với đập, hồ chứa nước vừa, nếu có dung tích trữ từ 1.000.000 m3 đến dưới 3.000.000 m3 thì tổ chức, cá nhân khai thác phải có ít nhất 1 kỹ sư chuyên ngành thủy lợi và phải được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý, khai thác đập, hồ chứa nước. Các đập, hồ chứa vừa còn lại cần phải có ít nhất 1 cá nhân có trình độ cao đẳng chuyên ngành thủy lợi và phải được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý, khai thác đập, hồ chứa nước.

Đối với đập, hồ chứa nước nhỏ, tổ chức, cá nhân khai thác phải có ít nhất 1 người có trình độ từ trung học phổ thông hoặc công nhân bậc 2 trở lên và phải được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý, khai thác đập, hồ chứa nước.

Theo đó, các cơ sở đào tạo có chức năng, nhiệm vụ, năng lực phù hợp được tổ chức các khóa đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao năng lực, nghiệp vụ cho các đối tượng làm công tác quản lý, khai thác công trình thủy lợi, quản lý đập. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng, ban hành chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho các đối tượng làm công tác quản lý, khai thác công trình thủy lợi, quản lý đập làm cơ sở để các cơ sở đào tạo và địa phương tổ chức triển khai thực hiện.

Về nguyên tắc cấp phép, Chính phủ yêu cầu cần bảo đảm an toàn công trình thủy lợi và công trình được cấp phép, bảo vệ chất lượng nước trong công trình thủy lợi; không ảnh hưởng đến nhiệm vụ của công trình thủy lợi, bảo đảm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân có liên quan; phù hợp với nguyên tắc sử dụng công trình đa mục tiêu, sử dụng tổng hợp đất đai, quản lý, khai thác, bảo vệ tài nguyên nước theo quy định tại Luật Thủy lợi, Luật Đất đai, Luật Tài nguyên nước và các quy định của pháp luật khác có liên quan. Đảm bảo đúng thẩm quyền, đúng đối tượng và trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.

Đối với nhiều hoạt động thuộc cùng một dự án do tổ chức, cá nhân đầu tư từ giai đoạn xây dựng công trình đến giai đoạn khai thác, sử dụng thuộc thẩm quyền cấp phép của một cơ quan thì cấp một giấy phép. Đối với các dự án bảo trì, sửa chữa, nâng cấp, hiện đại hóa hoặc bổ sung hạng mục vào công trình thủy lợi hiện có do chủ sở hữu công trình thủy lợi quyết định chủ trương đầu tư thì không phải xin giấy phép.

Phương An