Xây dựng phương án điều chỉnh giá nước sinh hoạt Hà Nội

Thứ sáu, 30/6/2023 | 15:07 GMT+7
Mới đây, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội đã tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo của UBND thành phố Hà Nội về phương án điều chỉnh giá nước sinh hoạt.

Theo phương án điều chỉnh giá nước sạch sinh hoạt trên địa bàn thành phố Hà Nội: Mức 10m3 đầu tiên (hộ/tháng) với hộ dân thuộc diện gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo giá bán lẻ nước sinh hoạt là 5.973 đồng/m3 áp dụng từ 1/7/2023 và 5.973 đồng/m3 áp dụng từ 1/1/2024.

Các đối tượng dân cư khác giá bán lẻ nước sinh hoạt là 7.500 đồng/m3 áp dụng từ 1/7/2023 và 8.500 đồng/m3 áp dụng từ 1/1/2024. Mức từ trên 10 - 20m3 (hộ/tháng), giá bán lẻ nước sinh hoạt là 8.800 đồng/m3 áp dụng từ 1/7/2023 và 9.900 đồng/m3 áp dụng từ 1/1/2024. Mức từ trên 20 - 30m3 (hộ/tháng), giá bán lẻ nước sinh hoạt là 12.000 đồng/m3 áp dụng từ 1/7/2023 và 16.000 đồng/m3 áp dụng từ 1/1/2024. Mức từ trên 30m3 (hộ/tháng), giá bán lẻ nước sinh hoạt là 24.000 đồng/m3 áp dụng từ 1/7/2023 và 27.000 đồng/m3 áp dụng từ 1/1/2024.

Đối với các cơ quan hành chính sự nghiệp và đơn vị sự nghiệp, phục vụ công cộng thì giá bán lẻ nước sinh hoạt sẽ là 12.000 đồng/m3 áp dụng từ 1/7/2023 và 13.500 đồng/m3 áp dụng từ 1/1/2024.

Đối với hoạt động sản xuất vật chất thì giá bán lẻ nước sinh hoạt sẽ là 15.000 đồng/m3 áp dụng từ 1/7/2023 và 16.000 đồng/m3 áp dụng từ 1/1/2024.

Đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ thì giá bán lẻ nước sinh hoạt sẽ là 27.000 đồng/m3 áp dụng từ 1/7/2023 và 29.000 đồng/m3 áp dụng từ 1/1/2024.

Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo của UBND thành phố Hà Nội về phương án điều chỉnh giá nước sinh hoạt.

Sở Tài chính thành phố cho biết, việc điều chỉnh giá tiêu thụ nước sạch xuất phát từ những nhu cầu cấp thiết thực tế, phù hợp với chủ trương của nhà nước về đẩy mạnh công tác quản lý cấp nước, tiêu thụ nước sạch và chủ trương xã hội hóa công tác sản xuất kinh doanh nước sạch. Ngoài ra, việc điều chỉnh giá nước còn có tác dụng khuyến khích ý thức sử dụng nước tiết kiệm trong các tổ chức, cá nhân đang sử dụng nước sạch, đảm bảo an sinh xã hội và tạo sự tự chủ về tài chính cho các doanh nghiệp cấp nước để hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả, nâng cao chất lượng dịch vụ cấp nước cho nhân dân Thủ đô.

Góp ý tại hội nghị, Viện trưởng Viện Tài nguyên, môi trường và phát triển cộng đồng Bùi Thị An cho rằng, việc điều chỉnh giá nước sạch tại thời điểm này là cần thiết nhằm nâng cao năng lực, chất lượng cung cấp nước sạch trên địa bàn Thủ đô, nhất là trong những ngày nắng nóng.

Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam, mặc dù phương án thành phố đưa ra đã được tính toán, áp dụng về nguyên tắc, phương pháp xác định giá, thẩm quyền quyết định giá theo đúng quy định tại Thông tư số 44/2021/TT-BTC quy định về khung giá, nguyên tắc, phương án xác định giá. Tuy nhiên, phải đảm bảo tăng giá nhưng vẫn cam kết triển khai tốt các giải pháp đáp ứng đòi hỏi chính đáng của người dân; phải cung ứng nước sạch đáp ứng liên tục, đủ nhu cầu cũng như chất lượng nước phải đảm bảo đúng quy chuẩn của Bộ Y tế; phải làm thật tốt chính sách phục vụ khách hàng, chống gian lận trong đo đếm lượng nước sử dụng và tính tiền nước.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương nhấn mạnh, mức điều chỉnh giá nước sạch mà thành phố đưa ra là mức giá tương đối phù hợp với thực tiễn Hà Nội hiện nay, so sánh với mức điều chỉnh tại các tỉnh, thành phố khác thì dễ có sự đồng thuận trong thời điểm này.

Về khâu tổ chức thực hiện triển khai áp dụng giá nước sạch mới, bà Nguyễn Lan Hương đề nghị cần làm rõ trách nhiệm quản lý điều hành của UBND thành phố với các Sở, ngành. Trong đó có nội dung tăng cường thanh tra kiểm tra nhằm thực hiện mọi nội dung liên quan đến giá phải đảm bảo công khai, minh bạch và bình đẳng giữa người bán - người mua, chất lượng nước sạch theo đúng tiêu chuẩn Bộ Y tế ban hành.

Lam An (T/H)