Phát triển kinh tế dựa vào rừng ngập mặn theo hướng bền vững

Thứ năm, 22/8/2024 | 16:32 GMT+7
Ngày 22/8, tại TPHCM, trường Đại học Nông lâm TPHCM và Đại học Adelaide (Úc) phối hợp tổ chức hội thảo Đánh giá tiềm năng của các mô hình phát triển kinh tế dựa vào rừng ngập mặn để phát triển bền vững, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Tất Toàn, Hiệu trưởng trường Đại học Nông lâm TPHCM cho biết, rừng ngập mặn đóng vai trò quan trọng trong việc thích ứng và giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu, góp phần xây dựng nền kinh tế xanh, phát thải thấp, phát triển kinh tế - xã hội… Rừng ngập mặn cũng là vườn ươm cho nhiều loài sinh vật biển, làm khiên chắn tự nhiên của vùng ven biển trước thiên tai. Tuy nhiên, rừng ngập mặn tại nhiều địa phương, nhất là khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện đang chịu nhiều áp lực, đe dọa đến diện tích và tính đa dạng sinh học.

Rừng ngập mặn tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long

Theo ông Nguyễn Nam Sơn, đại diện Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam có khoảng 160.000ha rừng ngập mặn tại 28 tỉnh, thành. Diện tích rừng ngập mặn tập trung nhiều tại khu vực ĐBSCL, Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Hồng. Thời gian qua, rừng ngập mặn đã bị suy giảm cả về chất lẫn lượng với nhiều nguyên nhân khác nhau. Thiên tai là một trong những tác nhân chính gây suy giảm diện tích rừng ngập mặn, trong đó có gió bão, sạt lở, xâm nhập mặn...

Trong khi đó, Việt Nam đã đề ra cam kết phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050. Việc bảo vệ và phát triển rừng, đặc biệt là rừng ngập mặn là một trong những nhân tố giúp đạt được mục tiêu trên. Do đó, khi thực hiện hiệu quả các biện pháp bảo vệ rừng, nhất là rừng ngập mặn sẽ góp phần phát huy giá trị, đóng góp tích cực vào quá trình triển khai kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu và mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính.

Thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu trình Chính phủ nhiều chính sách, đề án bảo vệ, phát triển rừng vùng ven biển nhằm ứng phó với biển đổi khí hậu, thúc đẩy tăng trưởng xanh.

Để ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiệt hại thiên tai, ông Nguyễn Nam Sơn đề nghị các địa phương có rừng ngập mặn thực hiện nhiều biện pháp bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng một cách bài bản, hiệu quả hơn. Trong đó, phát triển mô hình sinh kế dưới tán rừng cần được quan tâm hơn nữa để vừa phát triển kinh tế cho người dân địa phương vừa bảo vệ tối đa tài nguyên rừng.

Đại diện Cục Lâm nghiệp gợi ý, mô hình nuôi tôm, cua, nhuyễn thể… dưới tán rừng không chỉ giúp người dân ổn định kinh tế mà còn bảo vệ diện tích rừng ngập mặn. Tuy nhiên, các địa phương cần có hướng dẫn cụ thể để việc phát triển sinh kế này không ảnh hưởng đến đa dạng sinh học của rừng, phá vỡ quy hoạch hay thay đổi môi trường rừng.

Phương An (T/H)