Kế hoạch nhằm mục đích điều tra, kiểm kê rừng để xác định, nắm bắt chính xác toàn bộ diện tích rừng; chất lượng rừng (trong và ngoài quy hoạch lâm nghiệp) và diện tích đất chưa có rừng được quy hoạch cho mục đích lâm nghiệp gắn với chủ quản lý cụ thể trên địa bàn tỉnh; phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát về quản lý bảo vệ và phát triển rừng và việc lập quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng từ tỉnh đến huyện, xã. Thiết lập hồ sơ quản lý rừng; xây dựng cơ sở dữ liệu theo đơn vị quản lý rừng và đơn vị hành chính các cấp để phục vụ theo dõi diễn biến rừng, đất lâm nghiệp hàng năm; làm căn cứ đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý bảo vệ, phát triển rừng trên địa bàn tỉnh.
![](/userfile/User/thanhtam/images/2024/8/17/rung-bfinh-thuan-20240819100853692.jpg)
Bình Thuận thực hiện điều tra xác định hiện trạng rừng
Việc điều tra hiện trạng rừng được thực hiện trên toàn bộ diện tích rừng, đất rừng thuộc quy hoạch 3 loại rừng giai đoạn 2016 - 2025 trên địa bàn tỉnh và diện tích có rừng ngoài quy hoạch 3 loại rừng (rừng tự nhiên, rừng trồng từ ngân sách nhà nước đã quy hoạch cho mục đích khác hoặc từ trước đến nay không thuộc quy hoạch lâm nghiệp).
Trong đó, về điều tra diện tích rừng, tỉnh Bình Thuận điều tra diện tích rừng tự nhiên nguyên sinh, rừng tự nhiên thứ sinh; rừng núi đất, rừng núi đá, rừng trên đất ngập nước (nếu có); rừng trồng theo loài cây, cấp tuổi và nguồn vốn đầu tư; diện tích khoanh nuôi tái sinh, diện tích mới trồng chưa thành rừng, diện tích khác đang được sử dụng để bảo vệ phát triển rừng; diện tích các trạng thái rừng theo chủ rừng và theo đơn vị hành chính. Về trữ lượng rừng, tỉnh điều tra trữ lượng gỗ của rừng tự nhiên và rừng trồng; trữ lượng tre nứa của rừng tự nhiên và rừng trồng; trữ lượng gỗ và trữ lượng tre nứa của rừng hỗn giao gỗ - tre nứa và rừng hỗn giao tre nứa - gỗ.
Thời gian thực hiện việc điều tra hiện trạng rừng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận là trong thời gian 2024 – 2025. Theo đó, UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị và địa phương tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo và trực tiếp tổ chức thực hiện kế hoạch này. Hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc và báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện. Khẩn trương xây dựng đề cương kỹ thuật và dự toán điều tra, kiểm kê rừng theo kế hoạch này, gửi lấy ý kiến của Sở Tài chính về nguồn vốn thực hiện, trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt trong năm 2024 để làm cơ sở tổ chức thực hiện hoàn thành trong năm 2025. Tham mưu trình UBND tỉnh phê duyệt và công bố kết quả kiểm kê rừng trên địa bàn tỉnh. Thực hiện chế độ báo cáo với các cơ quan có thẩm quyền kết quả điều tra xác định hiện trạng rừng theo quy định.
Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, kịp thời các tài liệu về kiểm kê đất đai; giao đất, cho thuê đất rừng và các bản đồ có liên quan đối với việc giao đất, cho thuê đất rừng để trồng rừng làm cơ sở để Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tích hợp vào hồ sơ kiểm kê rừng, đảm bảo đồng bộ với kiểm kê đất đai.
UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị chức năng tuyên truyền, phổ biến cho các chủ rừng, tổ chức, cá nhân, hộ gia 6 đình có liên quan về nội dung kế hoạch kiểm kê rừng; chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, UBND các xã, phường, thị trấn có diện tích rừng phối hợp thực hiện các nội dung có liên quan tại địa phương.
Các đơn vị chủ rừng là tổ chức kinh tế được nhà nước giao, cho thuê rừng cần phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức điều tra, kiểm kê rừng đảm bảo chất lượng, tiến độ yêu cầu; bố trí nguồn lực để phối hợp thực hiện điều tra, kiểm kê rừng trên lâm phần được giao quản lý theo đúng quy định pháp luật và hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.