Kinh tế xanh

Sản lượng cá trên thế giới đang bị suy giảm mạnh

Chủ nhật, 21/11/2021 | 23:29 GMT+7
Theo một nghiên cứu do tỷ phú người Australia Andrew Forrest hậu thuẫn, sản lượng cá trên thế giới đang bị suy giảm ở mức thảm khốc. 49% đàn cá bị đánh bắt quá mức và chỉ còn lại dưới 40% ngư trường chưa đánh bắt.

Theo thống kê, 34,2% trữ lượng cá toàn cầu được đánh giá đang bị đánh bắt quá mức

Tổ chức Minderoo thực hiện nghiên cứu đã chỉ rõ, tỷ lệ cạn kiệt đàn cá dần xấu hơn so với các ước tính trước đây, chỉ còn hơn 30%. Một phần mười trữ lượng cá trên toàn thế giới hiện trên đà diệt vong. Kích thước đàn cá thuộc nhóm bị đe dọa này chỉ còn 10% so với ban đầu.

Tương tự, thống kê mới nhất của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) ước tính rằng 34,2% trữ lượng cá toàn cầu được đánh giá đang bị đánh bắt quá mức. Con số này tăng gấp ba lần kể từ khi FAO bắt đầu đánh giá vào năm 1974.

Các nhà nghiên cứu Minderoo cho điểm các quốc gia, từ A đến F, dựa trên tiến độ của mỗi nước trong việc khôi phục nguồn cá và năng lực quản trị việc đánh bắt, khai thác. Các quốc gia đạt điểm cao nhất là Chile, Iceland, Ireland, Latvia, Na Uy và Mỹ với xếp hạng C. Những nước này có hệ thống quản trị khai thác cá phát triển tốt nhưng cần phải nỗ lực nhiều hơn và chú tâm vào các nguồn cung cấp khác để đạt được các mục tiêu bền vững toàn cầu.

20 quốc gia nhận được điểm F bao gồm Australia, Trung Quốc, Indonesia, Nhật Bản, Peru, Nga, Việt Nam, Malaysia... Gần như tất cả ngư trường ở các quốc gia đều không được kiểm soát tốt hoặc đang bị đánh bắt quá mức. Nhóm nghiên cứu cho biết, các nước có rất ít triển vọng tăng trưởng đàn cá nếu không có những cải tiến lớn trong quản lý.

Nghiên cứu mới đây của Đại học British Columbia và Quỹ ADM Capital cho biết, biển Đông và biển Hoa Đông có thể mang lại kim ngạch thương mại hằng năm vào khoảng 100 tỷ USD. Với trữ lượng hiện tại, khu vực này có thể trở thành hai vùng đánh cá quan trọng bậc nhất Tây Thái Bình Dương. Tuy nhiên, điều cần lưu ý là nguồn tài nguyên cá ở khu vực biển Đông đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt nếu các nước hành động quyết liệt trong 10 năm tới để đối phó với nạn đánh cá tận diệt và tác động từ biến đổi khí hậu.

Với tình trạng hiện nay, những loài cá có giá trị thương mại chính ở khu vực biển Đông có thể giảm tới 90% số lượng vào cuối thế kỷ này. Đến năm 2100, thiệt hại do thiếu hụt nguồn cung cá biển vào khoảng 11,5 tỷ USD hàng năm. Trong kịch bản tích cực nhất - lượng khí phát thải nhà kính được kiểm soát ở mức thấp và các hoạt động đánh bắt cá giảm một nửa, hải sản ở biển Đông cũng sẽ giảm 22% về số lượng nguồn cá có giá trị thương mại chính, tương đương mức giảm doanh thu hàng năm khoảng 6,7 tỷ USD vào năm 2100.

PV