Kinh tế xanh

Ngành chế biến rau quả có tiềm năng tăng trưởng tốt

Thứ hai, 15/11/2021 | 11:25 GMT+7
Việt Nam là một trong những quốc gia có giá trị xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới, đặc biệt là trái cây. Trước những rào cản về giao thương do dịch bệnh Covid-19, Việt Nam đã đẩy mạnh ngành công nghiệp chế biến rau quả như một hướng đi mới thúc đẩy nền kinh tế.

Những năm gần đây, do ảnh hưởng có tình hình dịch bệnh, Việt Nam đã phát triển ngành công nghiệp chế biến trái cây, hiện chiếm khoảng 10% tổng sản lượng trái cây cả nước. Để chủ động nguồn cung sản phẩm chế biến, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang hoàn thiện dự thảo Đề án Phát triển ngành chế biến rau củ quả để phấn đấu đứng trong Top 5 nước hàng đầu thế giới.

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, giai đoạn 2016 – 2020, tốc độ xuất khẩu hàng rau quả đã qua chế biến của Việt Nam đều tăng trưởng ở mức 2 con số. Trong năm 2019, tốc độ xuất khẩu rau quả chế biến của Việt Nam tăng tới 41,2% so với năm 2018; năm 2020 tốc độ xuất khẩu hàng rau quả chế biến của Việt Nam tăng 11,1% so với năm 2019.

Đẩy nhanh tốc độ xuất khẩu rau quả chế biến của Việt Nam trong thời gian tới

Số liệu thống kê cũng chỉ ra rằng, kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả đã qua chế biến trong tháng 9/2021 đạt 65,42 triệu USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 9 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả đã qua chế biến đạt 653,5 triệu USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2020. Các thị trường xuất khẩu chính mặt hàng rau quả chế biến của Việt Nam gồm: Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Australia …

Trong bối cảnh xuất khẩu hàng rau quả tươi sang các nước đều gặp khó khăn do dịch bệnh và yêu cầu khắt khe về chất lượng, doanh nghiệp ngành rau quả của Việt Nam chuyển dịch thành công sang sản phẩm rau quả chế biến. Tính riêng trong 8 tháng đầu năm 2021, kim ngạch nhập khẩu chế phẩm từ rau, trái cây, quả hạch hoặc các bộ phận khác của thực vật từ Việt Nam của Trung Quốc đạt xấp xỉ 254 triệu USD, tăng 154,2%; của Mỹ đạt 152,25 triệu USD, tăng 53,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Nhìn chung, ngành rau quả Việt Nam đã khá thành công khi tăng xuất khẩu sang các thị trường có dung lượng nhập khẩu lớn và yêu cầu khắt khe về chất lượng, sự đa dạng của sản phẩm. Cụ thể như, tỷ trọng xuất khẩu hàng rau quả chế biến của Việt Nam sang các thị trường Trung Quốc, Mỹ, Nga, Australia tăng lần lượt từ 24,88%, 11,96%, 6,44%, 4,07% trong 9 tháng đầu năm 2021.

Đáng lưu ý, Tổng cục Hải quan cũng cho biết, khi phát triển theo hướng chế biến, rau quả Việt Nam có thể kiểm soát được giá thành, nâng giá trị hàng hoá gấp 3 - 4 lần so với giá quả tươi. Việc đưa trái cây, rau củ vào chế biến sâu sẽ tăng thời gian bảo quản, giúp thoát được tình trạng dư cung.

Dự báo, trong những tháng cuối năm 2021 và cả năm 2022, rau quả chế biến vẫn sẽ là chủng loại sản phẩm có tiềm năng tăng trưởng tốt nhờ sự phát triển mạnh mẽ của các kênh bán lẻ và thương mại điện tử ở các nước.

Trong vài năm trở lại đây, trên địa bàn cả nước, các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến bảo quản trái cây tăng mạnh, gấp 3 lần so với trước đó, với 7.500 cơ sở chế biến bảo quản trái cây, rau củ và khoảng 156 nhà máy chế biến có dây chuyền, công nghệ hiện đại. Tuy nhiên, con số này mới chỉ chiếm khoảng 10% so với lượng hàng hóa cần chế biến. Để đáp ứng nhu cầu lớn và tận dụng tốt những tiềm năng về chế biến thực phẩm trong tương lai, Chính phủ, các cơ quan chức năng liên quan cần có thêm nhiều biện pháp phù hợp, quan tâm hơn đến lĩnh vực này.

Thanh Tâm (T/H)