Năng lượng gió

9 quốc gia mới tham gia Liên minh Điện gió ngoài khơi toàn cầu

Thứ tư, 9/11/2022 | 10:14 GMT+7
Trong khuôn khổ Hội nghị COP27 đang diễn ra tại Ai Cập, 9 quốc gia mới vừa đăng ký tham gia Liên minh điện gió ngoài khơi toàn cầu (GOWA).

Theo thông cáo mới của Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA), 9 quốc gia mới bao gồm Bỉ, Colombia, Đức, Ireland, Nhật Bản, Hà Lan, Na Uy, Anh, Mỹ tham gia Liên minh Điện gió ngoài khơi toàn cầu (GOWA) với cam kết đẩy nhanh việc phát triển điện gió ngoài khơi nhằm giải quyết các cuộc khủng hoảng về khí hậu và an ninh năng lượng.

Liên minh do IRENA, Đan Mạch và Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu khởi xướng, nhằm tập hợp các chính phủ, khu vực tư nhân, các tổ chức quốc tế và những bên liên quan khác để đẩy nhanh việc triển khai điện gió ngoài khơi.

Các quốc gia tham gia GOWA đã đồng ý hợp tác để thúc đẩy tham vọng quốc gia, khu vực và toàn cầu nhằm xóa bỏ các rào cản đối với việc triển khai gió ngoài khơi. Điện gió ngoài khơi có thể được triển khai ở quy mô lớn, trong khung thời gian ngắn và với chi phí cạnh tranh. Đây là một giải pháp khả thi để đẩy nhanh tốc độ đạt được các mục tiêu về năng lượng tái tạo.

Ảnh minh họa

Cả IRENA và Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đều nhận định rằng, công suất điện gió ngoài khơi sẽ cần vượt qua 2.000 GW vào năm 2050, từ mức chỉ hơn 60 GW hiện nay để hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu lên 1,5 độ C và đạt được mức phát thải ròng bằng 0. Để đạt được mục tiêu này, GOWA đặt mục tiêu góp phần thúc đẩy tăng trưởng để đạt tổng công suất lắp đặt ít nhất 380 GW vào cuối năm 2030.

Tổng giám đốc IRENA Francesco La Camera cho biết: Điện gió ngoài khơi là nguồn bổ sung sản lượng điện không carbon mới quan trọng, giúp các quốc gia có cơ sở để nâng mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC). Điện gió ngoài khơi không chỉ có sức cạnh tranh với các nguồn phát điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch mà còn có thể tạo ra một sự thúc đẩy lớn cho đầu tư và tạo việc làm mới.

Lan Anh