Nông nghiệp sạch

An Giang nhân rộng mô hình nuôi trồng thủy sản công nghệ cao

Thứ năm, 10/8/2023 | 11:06 GMT+7
Hướng đến mục tiêu nâng cao năng suốt, chất lượng nông sản, tỉnh An Giang đã và đang nhân rộng nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản công nghệ cao, an toàn sinh học.

Với vị trí tự nhiên giàu tiềm năng, An Giang được biết đến với sản lượng cá tra bột và nghề nuôi cá tra thương phẩm dẫn đầu vùng đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó, tỉnh còn phát triển nhiều hoạt động nuôi trồng thủy sản với các hình thức khác nhau, đa dạng đối tượng nuôi như cá lóc, rô phi, cá nàng hai, lươn đồng, tôm càng xanh.

Nhằm nâng cao năng suốt, chất lượng nông sản, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao ở trong nước và xuất khẩu, ngành nông nghiệp tỉnh đang tích cực phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, an toàn sinh học.

Theo bà Võ Thị Thanh Vân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh An Giang, nuôi trồng thủy sản như cá tra, sản xuất giống, lươn, tôm càng xanh toàn đực, cá hô... trên địa bàn tỉnh theo hướng ứng dụng công nghệ cao đã cho thấy kết quả khả quan, với năng suất, sản lượng, lợi nhuận tăng từ 20 - 50%, tùy theo mô hình nuôi trồng.

Mô hình nuôi cá tra chất lượng cao, an toàn sinh học

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp An Giang đã nhân rộng nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản kết hợp với tăng cường sử dụng các sản phẩm vi sinh và hạn chế sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi, góp phần vừa đảm bảo chất lượng sản phẩm vừa bảo vệ môi trường, tạo dựng thương hiệu và sức cạnh tranh của sản phẩm Việt trên thị trường.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang thông tin thêm, các mô hình nuôi hiệu quả có ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, thực hành nuôi tốt theo các tiêu chuẩn chất lượng ngày càng được mở rộng. Đến nay, diện tích nuôi cá tra theo các tiêu chuẩn xuất khẩu như ASC, BAP... của An Giang đạt trên 500ha, sản lượng thu hoạch khoảng 270.000 tấn/năm. 

Riêng về vấn đề nuôi cá tra chất lượng cao, ngành nông nghiệp An Giang đã quy hoạch vùng phát triển theo hướng bền vững, tăng cường thú y thủy sản bằng các khuyến cáo đối với các hộ nuôi, hợp tác xã và doanh nghiệp.

Đại diện Sở NN&PTNT An Giang cho biết, để giúp đàn cá tra khỏe mạnh phát triển tốt đáp ứng nhu cầu xuất khẩu cuối năm nay, Sở đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản An Giang giám sát định kỳ đàn cá tra bố mẹ về mặt thú y tại các huyện Phú Tân, thị xã Tân Châu, Châu Thành, Châu Phú và thành phố Châu Đốc…; kiểm tra duy trì điều kiện sản xuất cá tra thương phẩm và cá ương dưỡng giống cá tra trên phạm vi toàn tỉnh.

Tăng cường kiểm tra duy trì điều kiện sản xuất thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường; thực hiện nhiều đợt quan trắc, giám sát môi trường nước vùng nuôi trọng điểm; bổ sung thay thế dần đàn cá bố mẹ hiện có bằng đàn cá cải thiện di truyền về tốc độ tăng trưởng, phi lê và kháng bệnh.

Theo ông Trần Anh Dũng, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản An Giang, từ năm 2017 đến nay, các cơ sở sản xuất cá tra bột của tỉnh đã tiếp nhận được 12.320 con cá tra bố mẹ có chất lượng tốt từ Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II để bổ sung thay thế cho đàn cá tra bố mẹ của cơ sở, qua đó góp phần nâng cao chất lượng cá tra bột cung cấp cho các chuỗi liên kết cá tra 3 cấp của tỉnh.

Theo nongnghiep.vn