Văn hóa, du lịch

Bản đồ Du lịch Đà Lạt – sự phát triển bền vững về văn hóa và sáng tạo

Thứ năm, 29/8/2024 | 11:21 GMT+7
Bản đồ Du lịch có thể xác định và phân loại các không gian sáng tạo công cộng và các điểm đến du lịch. Sáng kiến này góp phần định hình hệ sinh thái văn hóa và sáng tạo của địa phương, công cụ hữu ích cho khách tham quan, hỗ trợ công tác quản lý nhà nước và phát huy di sản.

Sáng 29/8, tại Di tích quốc gia Ga Tàu hỏa Đà Lạt, UBND thành phố Đà Lạt phối hợp với Văn phòng UNESCO tại Việt Nam và Công ty TNHH Nghệ thuật số Bảy (Phố Bên Đồi) tổ chức Lễ ra mắt Bản đồ du lịch nghệ thuật Đà Lạt. Tham dự có ông Jonathan Baker, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam; lãnh đạo các sở của tỉnh Lâm Đồng, lãnh đạo thành phố Đà Lạt cùng đông đảo du khách trong nước và quốc tế…

Chương trình âm nhạc chào mừng Lễ ra mắt Bản đồ du lịch nghệ thuật Đà Lạt 

Bản đồ du lịch nghệ thuật Đà Lạt (Dalat Art Map) thực hiện từ năm 2020, hướng tới cộng đồng thông qua các giải pháp phát triển đô thị bền vững, bảo tồn và phát huy các  giá trị bản sắc. Bản đồ được lượng hóa cụ thể trên giấy và nền tảng công nghệ thông tin, chú giải bằng ngôn ngữ Việt và ngôn ngữ Anh ngắn gọn. Với hơn 50 điểm đến trên thành phố Đà Lạt, gồm các không gian công cộng, các di sản, bảo tàng, cơ sở tôn giáo, các điểm giải trí, điểm tham quan, các điểm nghệ thuật và giải trí,…Ngoài hiển thị những tuyến đường phố đến các điểm du lịch, tham quan và thụ hưởng của du khách, bản đồ còn thể hiện những không gian về mặt nước (hồ, suối), về màu xanh (cây), các khu vực có cơ sở y tế, giáo dục...

Đông đảo quan khách, du khách trong nước và quốc tế tham dự tại Di tích quốc gia Gà Tàu hòa Đà Lạt 

Bản đồ du lịch Đà Lạt là hiện thực hóa các nội dung thành phố Đà Lạt đã cam kết khi gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO trong lĩnh vực âm nhạc, trở thành thành viên vào ngày 31/10/2023. Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt Đặng Quang Tú phát biểu: “Việc xây dựng Bản đồ du lịch nghệ thuật Đà Lạt là một trong ba sáng kiến cấp địa phương nhằm thúc đẩy vai trò của văn hóa và sáng tạo trong phát triển bền vững của thành phố; với mục tiêu kết nối và giới thiệu những điểm đến nghệ thuật đặc sắc, các điểm biểu diễn văn hóa, âm nhạc, các danh lam thắng cảnh đặc trưng của thành phố. Sản phẩm này không chỉ đơn thuần là một công cụ dẫn đường, mà còn là cầu nối giữa các nghệ sĩ, các cơ sở nghệ thuật và cộng đồng; giúp mở ra những câu chuyện thú vị về lịch sử, văn hóa và sáng tạo, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành du lịch, nghệ thuật gắn với thành phố âm nhạc”.

Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt Đặng Quang Tú phát biểu 

Theo Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam,  ông Jonathan Baker, Đà Lạt là một trong số những thành phố được hỗ trợ trong khuôn khổ của Dự án EMPLEMENT do tập đoàn SOVICO tài trợ và UNESCO thực hiện. UNESCO đã và đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trung ương để xây dựng đề án hỗ trợ các thành phố sáng tạo đã được UNESCO ghi danh cũng như các thành phố đang trong tiến trình chuẩn bị hồ sơ tham gia Mạng lưới.

Ông Jonathan Baker khẳng định: “Từ khi tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO trong lĩnh vực âm nhạc, Đà Lạt vừa tích cực tham gia các sự kiện cấp quốc tế và cấp khu vực của Mạng lưới, vừa xây dựng kế hoạch hành động để thực hiện những cam kết của thành phố với Mạng lưới này”. Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam cho rằng: “Bản đồ có thể xác định và phân loại các không gian sáng tạo công cộng của thành phố cũng như các điểm đến du lịch ở đây. Sáng kiến này sẽ góp phần định hình hệ sinh thái văn hóa và sáng tạo của Thành phố và sẽ là một công cụ hữu ích để khách tham quan có thể di chuyển tốt trong thành phố, đồng thời, có thể hỗ trợ các cơ quan Nhà nước quản lý và phát huy di sản và các không gian sáng tạo tốt hơn”. 

Ông Jonathan Baker -Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam phát biểu 

Ông Jonathan Baker cũng nhấn mạnh: “Việc hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, đề cao các giá trị kinh tế từ sự sáng tạo của văn hóa và nghệ thuật và chú trọng tới sự đa dạng trong sự sáng tạo của mỗi cá nhân, tập thể, hay cộng đồng sẽ không chỉ thúc đẩy kinh tế của thành phố mà còn là để bảo tồn di sản”. Hiện, UNESCO đang hợp tác với thành phố Hà Nội, Hội An, Đà Lạt và một số thành phố tiềm năng về văn hóa và sáng tạo khác nhằm khuyến khích hợp tác giữa các thành phố ngay tại Việt Nam và với bạn bè quốc tế, hướng tới những thực hành bền vững, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam cho biết thêm.

Khách tham quan các sản phẩm văn hóa và sáng tạo của Đà Lạt 

Phát huy những tiềm năng to lớn, đặc biệt trong đó có các nguồn lực truyền thống văn hóa, thành phố Đà Lạt đang vận hành đô thị theo các chiến lược phát triển bền vững và ngày càng khẳng định thương hiệu du lịch-văn hóa. Chủ tịch Đặng Quang Tú cam kết: “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện, phát triển và mở rộng bản đồ này để cung cấp đầy đủ và chính xác các thông tin về những điểm đến nghệ thuật mới, các sự kiện văn hóa đặc sắc của địa phương. Chúng tôi rất mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ và đồng hành từ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng sáng tạo và các cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật để bản đồ này đánh dấu 01 chặng đường phấn đấu, nỗ lực của thành phố sáng tạo âm nhạc và trở thành món quà không thể thiếu trong hành trình khám phá Đà Lạt của mỗi du khách”.   

Minh Đạo