Bất động sản

Bản tin bất động sản số 21/2021

Thứ hai, 19/7/2021 | 09:23 GMT+7
Trong 7 năm từ 2014 - 2021, tỉnh Đồng Nai đã đưa ra đấu giá gần 60 khu đất vàng với diện tích khoảng 329 ha. Tổng số tiền thu được từ những lô đất này khoảng 10.300 tỷ đồng. Trong đó, năm 2020 đấu giá thành công công 4 khu đất thu về khoảng 2.935 tỷ đồng.

Đồng Nai: Thu 10.300 tỷ đồng từ đấu giá đất "vàng"

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, tỉnh này đã đưa ra đấu giá gần 60 khu đất vàng với diện tích khoảng 329 ha từ năm 2014 đến nay. Tổng số tiền thu được từ những lô đất này khoảng 10.300 tỷ đồng. Trong đó, năm 2020 đấu giá thành công công 4 khu đất thu về khoảng 2.935 tỷ đồng.

Tỉnh Đồng Nai đã thu về ngân sách 10.300 tỷ đồng từ 2014 - 2021

Trong khi đó, năm 2019, Đồng Nai thu về 6.318 tỷ đồng nhờ đấu giá 8 khu đất vàng. Con số của các năm trước đó thấp hơn, chỉ vài chục đến vài trăm tỷ đồng/năm.

Theo tính toán, trong 5 năm tới, nguồn thu ngân sách từ đấu giá đất của tỉnh Đồng Nai có thể lên trên 23.000 tỷ đồng. Số tiền này được dùng để đầu tư công trình kỹ thuật hạ tầng toàn tỉnh.

TPHCM kiến nghị xoá treo 700 ha đất

Theo UBND TPHCM, do thời gian "treo" quá lâu, việc thực hiện quy hoạch tại 3 khu công nghiệp (KCN) với diện tích lên đến 675 ha trên địa bàn 2 huyện Hóc Môn và Củ Chi không còn khả thi. Vì thế, UBND TPHCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xóa "treo" nhằm quy hoạch nơi khác khả thi hơn.

Trong 3 KCN được UBND TPHCM kiến nghị xóa khỏi quy hoạch, KCN Bàu Ðưng (xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi) có diện tích 175 ha, được giao cho một chủ đầu tư từ năm 2008 nhưng 1 năm sau thì công ty này không tham gia đầu tư. Hiện dự án này vẫn chưa có chủ đầu tư và chưa triển khai.

Kế đến là KCN Phước Hiệp (xã Phước Hiệp và xã Trung Lập Hạ, huyện Củ Chi), có diện tích 200 ha. Đây là dự án mà năm 2012, UBND TPHCM cấp giấy chứng nhận đầu tư cho một công ty nhưng sau đó không triển khai. Hiện khu đất này có 235 căn nhà, còn lại là đất nông nghiệp.

KCN thứ 3 là Xuân Thới Thượng (xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn), diện tích 380 ha, sau hàng chục năm vẫn chưa có chủ đầu tư. Khu vực này hiện có hơn 2.200 hộ dân, cá nhân, doanh nghiệp với gần 900 căn nhà.

UBND TPHCM nhận định, việc chậm triển khai các dự án trên đã ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân khi hạ tầng xuống cấp không được đầu tư; gây khó khăn trong việc xây dựng, sửa chữa nhà, chuyển mục đích sử dụng đất cũng như bất cập về an ninh, vệ sinh môi trường… cho nên TP kiến nghị "cởi trói".

Bắc Giang: Duyệt quy hoạch KCN Yên Lư 377ha

UBND tỉnh Bắc Giang vừa phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 KCN Yên Lư, huyện Yên Dũng với tổng diện tích khoảng 377 ha.

Theo quy hoạch được duyệt, KCN Yên Lư có tổng diện tích khoảng 377 ha. Có tính chất là KCN tổng hợp đa ngành, chủ yếu là công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ kỹ thuật cao, thân thiện với môi trường. Những hạng mục chính ưu tiên đầu tư xây dựng gồm khu hành chính, nhà xưởng sản xuất và hệ thống giao thông, hệ thống cấp nước, thoát nước, cấp điện và khu xử lý nước thải.

Khu công nghiệp Yên Lư được phê duyệt quy hoạch trên địa bàn huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang

Khu trung tâm điều hành, dịch vụ công cộng quy hoạch phía Tây KCN, trong tương lai hướng tiếp cận từ phía Cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn.

Diện tích lô đất công nghiệp được bố trí cơ động phù hợp với quy mô sử dụng của các nhà máy khác nhau từ 5 - 30ha; tất cả các nhà máy đều có mặt công trình tiếp xúc với tuyến đường trong KCN. Khu cây xanh lớn ngăn cách giữa KCN và đô thị thương mại dịch vụ tạo điểm nhấn cảnh quan, cải tạo vi khí hậu toàn khu vực.

Thu Uyên