Bất động sản

Bản tin bất động sản số 8/2023

Thứ hai, 27/2/2023 | 07:45 GMT+7
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn vừa ký ban hành Quyết định số 1186/QĐ-UBND về việc phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025.

Phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025

Theo Kế hoạch phát triển nhà ở thành phố Hà Nội, căn cứ các chỉ tiêu trong Chương trình phát triển nhà ở thành phố giai đoạn 2021 - 2030 để xác định mục tiêu phát triển nhà ở giai đoạn 2021 - 2025: diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn thành phố 29,5m2/người, trong đó khu vực đô thị đạt 31m2/người và khu vực nông thôn đạt 28m2/người.

Diện tích nhà ở tối thiểu phấn đấu đạt 10,0m2/người. Tổng diện tích sản nhà ở khoảng 44 triệu mét vuông sàn nhà ở. Trong đó, về nhà ở xã hội, phát triển mới khoảng 1,215 triệu mét vuông sàn nhà ở; chuẩn bị đầu tư 1 - 2 khu nhà ở xã hội độc lập (tập trung) và nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết 2 - 3 khu.

Phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025

Về nhà ở thương mại, phát triển mới khoảng 19,73 triệu mét vuông sàn nhà ở; tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị đảm bảo tỷ lệ nhà ở cho thuê đạt tối thiểu 5% và nhà ở cho thuê mua đạt tối thiểu 5% trên tổng diện tích sàn nhà ở chung cư tại dự án. 

Triển khai cải tạo, xây dựng lại 4 khu chung cư cũ có nhà nguy hiểm cấp D (Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh, Bộ Tư pháp), các khu chung cư, nhà chung cư thuộc diện phải phá dỡ để cải tạo, xây dựng lại theo quy định (có phát sinh trong quá trình kiểm định) và các khu chung cư, nhà chung cư khác có tính khả thi, đủ điều kiện để triển khai theo quy định.

Về nhà ở riêng lẻ, thành phố Hà Nội phát triển mới khoảng 22,5 triệu mét vuông sàn (khoảng 4,5 triệu mét vuông sàn/năm).

Thành phố phấn đấu phát triển nhà ở bằng hoặc lớn hơn chỉ tiêu tổng diện tích sàn nhà ở xác định tại kế hoạch này; định kỳ cập nhật điều chỉnh số lượng dự án (bổ sung hoặc đưa ra khỏi danh mục) cho phù hợp với thực tế. Các nhà đầu tự có báo cáo về tính khả thi và tiến độ thực hiện dự án, làm cơ sở để cập nhật vào kế hoạch theo quy định.

Thí điểm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa quy mô dưới 500ha tại Khánh Hòa

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 6/2023/QĐ-TTg ngày 24/2/2023 quy định thí điểm về trình tự, thủ tục chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa với quy mô dưới 500ha thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho HĐND tỉnh Khánh Hòa.

Quyết định này quy định thí điểm về trình tự, thủ tục chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa với quy mô dưới 500ha trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho HĐND tỉnh Khánh Hòa quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị quyết số 55/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội.

Quy định thí điểm về trình tự, thủ tục chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa với quy mô dưới 500ha tại Khánh Hòa

Quyết định quy định điều kiện chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư gồm:

Dự án đầu tư có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất thuộc trường hợp quy định nêu trên.

Dự án đầu tư có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cấp có thẩm quyền quyết định, phê duyệt và các quy hoạch khác có liên quan theo quy định của pháp luật.

Đã được chấp thuận đầu tư theo quy định của pháp luật mà văn bản chấp thuận còn hiệu lực đến thời điểm đề xuất; đối với dự án phải thu hồi đất theo quy định tại khoản 3 Điều 62 Luật Đất đai thì phải được HĐND tỉnh thông qua.

Có phương án sử dụng tầng đất mặt theo quy định của pháp luật về trồng trọt.

UBND cấp huyện có trách nhiệm tổng hợp nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân gửi Sở Tài nguyên và Môi trường để lập hồ sơ báo cáo UBND tỉnh xem xét trình HĐND tỉnh quyết định việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang mục đích khác để thực hiện dự án. 

Đối với trường hợp dự án thực hiện tại địa bàn 2 huyện trở lên thì chủ đầu tư, nhà đầu tư đăng ký trực tiếp với Sở Tài nguyên và Môi trường.

Trong thời hạn không quá 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, UBND tỉnh có trách nhiệm tổ chức thẩm định việc chuyển mục đích sử dụng đất. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn không quá 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, UBND tỉnh có trách nhiệm thông báo cho Sở Tài nguyên và Môi trường.

UBND tỉnh trình HĐND tỉnh chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất.

HĐND tỉnh xem xét, quyết định chấp thuận cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo quy chế làm việc của HĐND cấp tỉnh.

Sau khi có văn bản chấp thuận của HĐND tỉnh, UBND tỉnh xem xét, quyết định thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật khác có liên quan.

Khơi thông dòng vốn và tạo tính thanh khoản cho thị trường bất động sản

Theo dự thảo Nghị quyết về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững của Chính phủ, mục tiêu là tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là về thể chế, tổ chức thực hiện và nguồn vốn cho thị trường bất động sản, trong đó tháo gỡ các vướng mắc về quy định pháp luật và trình tự, thủ tục cũng như tổ chức triển khai thực hiện các dự án, nhất là liên quan đến đầu tư, đất đai, xây dựng.

Ảnh minh họa

Tập trung tháo gỡ vướng mắc cho các dự án đang triển khai để sớm hoàn thành, tạo nguồn cung cho thị trường; tháo gỡ khó khăn về các nguồn vốn tín dụng, trái phiếu... khơi thông dòng vốn và tạo tính thanh khoản cho thị trường.

Đồng thời hoàn thiện, ban hành và triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030".

Để thực hiện, giải pháp trọng tâm sẽ là hoàn thiện thể chế. Bao gồm các quy định liên quan tới đầu tư xây dựng, kinh doanh nhà ở gắn với việc sửa các Luật Đầu tư, Đất đai, Thuế, Chứng khoán, Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Đấu thầu (sửa đổi), sửa đổi các quy định tháo gỡ quy trình, thủ tục triển khai dự án, đảm bảo tính thống nhất.

Hạ Quyên