Bản tin môi trường số 25/2021

Thứ hai, 13/12/2021 | 10:05 GMT+7
Mới đây, Diễn đàn Doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam (VCSF) 2021 với chủ đề: “Hướng tới thập kỷ phát triển bền vững tốt đẹp hơn: Không để ai bị bỏ lại phía sau” được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD-VCCI) chỉ đạo tổ chức.

Doanh nghiệp thực hiện mục tiêu phát triển bền vững và tăng trưởng xanh

Phát biểu tại diễn đàn, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI cho biết, thời gian qua, VCCI và VBCSD đã tổ chức thành công và hiệu quả chuỗi các hội thảo chuyên đề với những nội dung đang rất được quan tâm như: “Kinh tế tuần hoàn – Tương lai của tăng trưởng kinh tế bình đẳng và bền vững”, “Doanh nghiệp bền vững thực hiện mục tiêu kép”…

Diễn đàn Doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam 2021

Trong khuôn khổ Diễn đàn VCSF năm nay, các đại biểu sẽ có cái nhìn tổng quát hơn về vấn đề tăng trưởng xanh, giảm phát thải khí nhà kính để phát triển bền vững và cùng tham gia thảo luận về các định hướng chính sách, đề xuất nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới.

Tại diễn đàn, ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề cập đến định hướng net-zero vào năm 2050. Trong đó có áp dụng các công nghệ thu giữ carbon và các công nghệ phát thải âm để bù trừ cho lượng phát thải trực tiếp còn lại; tăng cường hấp thụ carbon từ bảo vệ và phát triển rừng, các hoạt động thay đổi sử dụng đất; chuyển đổi rác thải thành năng lượng trong quản lý và xử lý chất thải; phát triển nông nghiệp bền vững, thông minh; phát triển giao thông vận tải sử dụng điện và năng lượng sạch.

Bên cạnh giảm phát thải, các chuyên gia cũng đề cập đến vấn đề tăng trưởng xanh và gắn vấn đề môi trường, phát triển bền vững với người dân, tổ chức, doanh nghiệp.

Doanh nghiệp chủ động cam kết bảo vệ môi trường và phát triển bền vững

Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa ký thỏa thuận hợp tác với Nestlé Việt Nam về thực hiện các mục tiêu bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Thỏa thuận hợp tác nhằm thúc đẩy các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, thúc đẩy hoạt động quản lý bao bì bền vững, góp phần thực thi có hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường và Cam kết trung hòa nhựa đến năm 2025.

Sản xuất, quản lý bao bì bền vững để thực hiện trách nhiệm bảo vệ môi tường của doanh nghiệp

Tổng cục Môi trường kỳ vọng, thỏa thuận trên sẽ giúp kết nối thêm nhiều doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp để cùng hành động có trách nhiệm với vấn đề môi trường hơn.

Trong khuôn khổ lễ ký thỏa thuận hợp tác với Tổng cục Môi trường, Nestlé Việt Nam đã công bố Cam kết trung hòa nhựa đến năm 2025. Theo Tổng giám đốc Nestlé Việt Nam Binu Jacob, ngay cả khi đại dịch Covid-19 đặt ra nhiều thách thức hơn, cam kết của Nestlé về việc thúc đẩy bao bì bền vững vẫn không thay đổi.

“Cam kết trung hòa nhựa đến năm 2025 của Nestlé Việt Nam nhằm mục đích đẩy nhanh quá trình chuyển đổi hướng tới một tương lai không có rác thải. Đây cũng là một khởi đầu quan trọng của chặng đường hiện thực hóa tầm nhìn về phát triển bao bì bền vững của Nestlé. Chúng tôi đã bắt đầu một số sáng kiến trong năm 2021 và sẽ phát triển, cũng như nhân rộng các dự án này trong các năm tới”, ông Binu Jacob cho biết.

Ký thỏa thuận hợp tác phát triển rừng bền vững

Mới đây, Công ty TNHH Biomass Fuel Việt Nam đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Hợp phần quản lý rừng bền vững thuộc dự án Quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học do USAID tài trợ không hoàn lại. Lễ ký kết được tổ chức tại tỉnh Nghệ An.

Lễ ký kết giữa Công ty TNHH Biomass Fuel Việt Nam với Hợp phần quản lý rừng bền vững do USAID tài trợ

Dự án Quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao Ban quản lý các dự án lâm nghiệp làm chủ với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính và tăng hấp thụ carbon trong rừng tự nhiên và rừng trồng của Việt Nam, cũng như đảm bảo tính bảo tồn đa dạng sinh học ở những khu vực rừng có giá trị cao.

Theo Phó trưởng Ban quản lý các dự án lâm nghiệp, Giám đốc Ban quản lý dự án VFBC Vũ Văn Hưng, việc ký kết thỏa thuận hợp tác không chỉ gắn kết mối quan hệ giữa doanh nghiệp với dự án mà còn hỗ trợ các chủ rừng, các hộ, nhóm hộ, hợp tác xã trong vùng chủ động quản lý, kinh doanh rừng bền vững, qua đó góp phần tích cực trong Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030.

VFBC được thực hiện từ năm 2021 - 2026, triển khai trên địa bàn 11 tỉnh trong đó có Nghệ An. Theo đó, việc đạt được thỏa thuận trên sẽ góp phần hỗ trợ tỉnh Nghệ An chuyển đổi sang nền kinh tế phát thải thấp và tăng trưởng xanh bằng cách nâng cấp chuỗi giá trị sản xuất gỗ lớn có cấp chứng chỉ rừng với sự tham gia của khu vực tư nhân và khu vực cộng đồng, tạo mối liên kết lâu dài giữa Công ty TNHH Biomass Fuel và các hộ trồng rừng sản xuất.

Phương An