Doanh nghiệp thực hiện mục tiêu phát triển bền vững và tăng trưởng xanh

Thứ năm, 9/12/2021 | 14:56 GMT+7
Diễn đàn Doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam (VCSF) 2021 tập trung thảo luận sâu về vấn đề giảm phát thải, phát triển xanh, bền vững gắn với bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ngày 9/12, Diễn đàn VCSF 2021 với chủ đề: “Hướng tới thập kỷ phát triển bền vững tốt đẹp hơn: Không để ai bị bỏ lại phía sau” được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD-VCCI) chỉ đạo tổ chức.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI cho biết, thời gian qua, VCCI và VBCSD đã tổ chức thành công và hiệu quả chuỗi các hội thảo chuyên đề với những nội dung đang rất được quan tâm như: “Kinh tế tuần hoàn – Tương lai của tăng trưởng kinh tế bình đẳng và bền vững”, “Doanh nghiệp bền vững thực hiện mục tiêu kép”…

Trong khuôn khổ Diễn đàn VCSF năm nay, các đại biểu sẽ có cái nhìn tổng quát hơn về vấn đề tăng trưởng xanh, giảm phát thải khí nhà kính để phát triển bền vững và cùng tham gia thảo luận về các định hướng chính sách, đề xuất nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới.

Diễn đàn Doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam 2021

Trình bày tại diễn đàn, ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề cập đến định hướng net-zero vào năm 2050 và các định hướng chính sách để Việt Nam đạt được mục tiêu đề ra trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC).

Cụ thể, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cho biết, mục tiêu của NDC Việt Nam là giảm nhẹ phát thải khí nhà kính với mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam sẽ giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường (tương đương 83,9 triệu tấn CO2tđ). Mức đóng góp này có thể tăng lên tới 27% nếu nhận được hỗ trợ quốc tế thông qua hợp tác song phương, đa phương và thực hiện các cơ chế mới theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

Về thích ứng với biến đổi khí hậu, NDC cập nhật của Việt Nam xác định các nhiệm vụ chiến lược về thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm nâng cao năng lực thích ứng, tăng cường khả năng chống chịu và giảm rủi ro do biến đổi khí hậu, góp phần đạt được mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia, từ đó đóng góp nhiều hơn cho giảm phát thải khí nhà kính.

Ông Phạm Văn Tấn cho biết, Việt Nam đang và sẽ có nhiều biện pháp để đạt được mục tiêu net-zero vào năm 2050. Trong đó có áp dụng các công nghệ thu giữ carbon và các công nghệ phát thải âm để bù trừ cho lượng phát thải trực tiếp còn lại; tăng cường hấp thụ carbon từ bảo vệ và phát triển rừng, các hoạt động thay đổi sử dụng đất; chuyển đổi rác thải thành năng lượng trong quản lý và xử lý chất thải; phát triển nông nghiệp bền vững, thông minh; phát triển giao thông vận tải sử dụng điện và năng lượng sạch.

Ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu phát biểu tại diễn đàn

Bên cạnh giảm phát thải, các chuyên gia cũng đề cập đến vấn đề tăng trưởng xanh và gắn vấn đề môi trường, phát triển bền vững với người dân, tổ chức, doanh nghiệp.

Theo ông Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giảm phát thải và tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính dần trở thành chỉ tiêu bắt buộc và quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, xanh hóa các ngành kinh tế; xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững; xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu là các mục tiêu tiên quyết.

Để thực hiện xanh hóa các ngành kinh tế, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 được Thủ tướng Chính phủ ban hành mới đây đã nêu rõ, cần thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng bền vững để nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát huy lợi thế cạnh tranh và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Đồng thời, cần cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, giảm cường độ phát thải khí nhà kính thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tài nguyên dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng xanh, bền vững, xây dựng lối sống xanh, đảm bảo quá trình chuyển đổi xanh theo nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu trong phạm vi toàn bộ nền kinh tế.

Qua những đóng góp của các đại biểu, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nhận định, giảm phát thải khí nhà kính sẽ có lợi cho Việt Nam, tạo cơ hội để dễ dàng thu hút nguồn lực xanh từ gói tài chính được cam kết bởi các quốc gia hỗ trợ cho phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, năng lượng tái tạo; cũng như góp phần gia tăng nguồn lực của khu vực tư nhân đầu tư cho tăng trưởng xanh, bền vững.

Thanh Bảo