Môi trường (old)

Bản tin môi trường số 5/2019

Thứ hai, 25/11/2019 | 16:17 GMT+7
Liên tiếp xảy ra động đất tại Việt Nam, năm 2050 biến đổi khí hậu có thể làm thiệt hại gần 8.000 tỷ USD, tăng cường quản lý nhà nước các cơ sở khai thác khoáng sản, kiểm soát ô nhiễm từ nhiệt điện Vĩnh Tân... là những tin tức môi trường nổi bật tuần qua.

Liên tiếp xảy ra động đất tại Việt Nam

Ngày 25/11, theo Viện Vật lý địa cầu, vào hồi 1 giờ 18 phút 23 giây (giờ GMT) ngày 25/11, tức 8 giờ 18 phút 23 giây (giờ Hà Nội), một trận động đất có độ lớn 5,4 (5,4 độ Richter) xảy ra tại vị trí có tọa độ (22.852 độ vĩ Bắc, 106.618 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 14 km.

Trước đó, sáng ngày 21/11, một trận động đất có độ lớn 6,1 độ Richter, độ sâu chấn tiêu khoảng 38 km xảy ra tại khu vực tỉnh Sayabouly, Lào đã gây dư chấn khiến người dân nhiều khu vực tại Hà Nội cũng cảm nhận được sự rung lắc.

Viện Vật lý địa cầu cho biết, vào hồi 8 giờ 32 phút 54.2 giây (giờ GMT) ngày 20/11/2019, tức 15 giờ 32 phút 54.2 giây (giờ Hà Nội) ngày 20/11/2019, một trận động đất có độ lớn 4,2 độ richter xảy ra tại vị trí có tọa độ (19.172 độ vĩ Bắc, 105.133 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 10.0 km.

Theo cơ quan chức năng, các vụ động đất có độ mạnh trung bình, độ rung lắc nhẹ chỉ trong vài giây nên người dân ở các địa phương, nhất là những người ở chung cư cao tầng bình tĩnh, không hoảng sợ.

Năm 2050 biến đổi khí hậu có thể làm thiệt hại gần 8.000 tỷ USD

Theo báo cáo phân tích dựa trên chỉ số ứng phó biển đổi khí hậu của Cơ quan Tình báo kinh tế (EIU) tính tới hoạt động chuẩn bị ứng phó của 82 nền kinh tế lớn nhất thế giới, biến đổi khí hậu có thể khiến nền kinh tế thế giới thiệt hại 7.900 tỷ USD vào năm 2050 do hạn hán, lũ lụt và các vụ mùa thất thu ngày càng gia tăng làm cản trở tốc độ tăng trưởng và đe dọa hạ tầng cơ sở.

Báo cáo phân tích Angola có thể là quốc gia chịu tác động nặng nhất, với GDP giảm 6,1% vì nhiều nguyên nhân như thiếu các cơ sở hạ tầng có chất lượng, dễ bị hạn hán nghiêm trọng, tình trạng xói mòn đất và mực nước biển gia tăng.

Tiếp theo đó là Nigeria (với dự báo GDP giảm 5,9%), Ai Cập (GDP giảm 5,5%) , Bangladesh (GDP giảm 5,4%) và Venezuela (GDP giảm 5,1%) được xác định là những quốc gia dễ bị tổn thương nhất.

Tăng cường quản lý nhà nước các cơ sở khai thác khoáng sản

Thời gian qua hàng loạt các địa phương thực hiện chấn chỉnh công tác khai thác khoáng sản.

UBND tỉnh Sơn La vừa có Công văn gửi các sở, ngành, các huyện, thành phố, triển khai nhiệm vụ thực hiện quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh.Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La giao Sở Xây dựng, Sở Công thương, theo chức năng nhiệm vụ triển khai rà soát, hoàn thiện quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản trên địa bàn.

Tại Quảng Ninh, Công an tỉnh đang đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng, UBND các địa phương có hoạt động khai thác, chế biến, kinh doanh đá làm vật liệu xây dựng, tiếp tục rà soát các thiết kế thi công các công trình mỏ đá, giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, việc chấp hành pháp luật trong khai thác khoáng sản và bảo vệ môi trường. Qua đó, nhằm phát hiện, xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm, cũng như có giải pháp giải quyết dứt điểm các vấn đề phát sinh trong quá trình các đơn vị khai thác, chế biến đá làm vật liệu xây dựng thông thường.

Kiểm soát ô nhiễm từ nhiệt điện Vĩnh Tân

Tại buổi làm việc với UBND tỉnh Bình Thuận về nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đề nghị Tổng cục Môi trường phải thường xuyên kiểm tra, giám sát, có cơ chế phối hợp trong công tác bảo vệ môi trường, bảo đảm các hoạt động này hiệu quả, không làm ảnh hưởng xấu đến chất lượng môi trường không khí, nước biển; đưa ra những biện pháp kiểm soát và cô lập việc phát tán bụi.

Yêu cầu doanh nghiệp phải đầu tư nâng cấp công nghệ để đảm bảo không được phép phát tán bụi ô nhiễm 24/24h, nếu vi phạm thì đề xuất phương án dừng hoạt động.

Về đánh giá tác động môi trường (ĐTM) tại Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân, Bộ trưởng đề nghị Tổng cục Môi trường cùng với UBND tỉnh Bình Thuận xem xét tổ chức Hội đồng thẩm định, kiểm định; đặc biệt phối hợp xem xét, nghiên cứu các đánh giá của Bộ Công Thương để bổ sung các giải pháp kiểm soát chặt chẽ hơn.

Nghiên cứu đầu tư lắp đặt bảng điện tử hiển thị công khai số liệu quan trắc tự động khí thải, nước thải cho cộng đồng dân cư khu vực xung quanh các nhà máy nhiệt điện than để thuận tiện cho việc theo dõi, giám sát.

 

Nam Yên