Môi trường (old)

Bản tin môi trường số 6/2020

Thứ hai, 20/4/2020 | 10:01 GMT+7
Chất lượng không khí tại các đô thị lớn được cải thiện, mùa mưa bão năm 2020 diễn biến phức tạp, 11 công trình phải quan trắc khí tượng thủy văn... là những tin tức môi trường nổi bật tuần qua.

Mùa mưa bão 2020 diễn biến bất thường

Thời tiết năm 2020 diễn biến bất thường

Thực tế ở Việt Nam, từ đầu năm 2020 đến nay, nhiều hiện tượng thời tiết, khí hậu bất thường như mưa to kèm dông lốc, mưa đá liên tục xảy ra ở các tỉnh phía Bắc, vào các thời điểm rất hiếm khi, thậm chí chưa từng xảy ra; hạn hán, xâm nhập mặn tiếp tục diễn ra ở Nam Bộ, Trung Bộ.

GS.TS Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn (KTTV) cho biết, chỉ còn khoảng hai tháng nữa là bước vào mùa mưa, bão năm 2020 với dự báo thời tiết có nhiều diễn biến bất thường. Chủ động "đón" mùa mưa bão, Hệ thống Dự báo KTTV quốc gia đã và đang theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến về KTTV để cung cấp thông tin cho các cơ quan chỉ đạo, quản lý về thiên tai và người dân trên mọi miền Tổ quốc với phương châm “thống nhất, chính xác, liên tục, tin cậy và kịp thời.

“Các đơn vị dự báo từ Trung ương đến địa phương phải luôn nâng cao tinh thần trách nhiệm cao nhất để đảm bảo chất lượng công tác dự báo, cảnh báo thiên tai KTTV, chú trọng tới cảnh báo tác động của thiên tai đối với các vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai. Yêu cầu các “nhà Dự” phải kiên trì thực hiện “đong đếm” từng kết quả tính toán từ phương án, mô hình khác nhau, “chắt chiu” phân tích từng số liệu quan trắc từ toàn cầu, khu vực đến địa phương để có được bản tin dự báo tốt nhất” - GS. TS Trần Hồng Thái nói.

Chỉ được khai thác cát sỏi phần trữ lượng do bồi lắng ở hồ thủy điện

Nhiều khu vực cấm khai thác cát, sỏi lòng sông

Đây là một trong những nội dung được quy định tại Nghị định số 23/2020/NĐ-CP về quản lý khai thác cát, sỏi và bảo vệ lòng, bờ bãi sông đã có hiệu lực thi hành từ ngày 10/4/2020.

Cụ thể, việc khai thác cát, sỏi tại khu vực lòng hồ chứa thủy điện, thủy lợi phải tuân thủ các quy định của pháp luật về thủy lợi, bảo đảm an toàn công trình, bảo vệ môi trường hồ chứa, các pháp luật khác có liên quan, đáp ứng các yêu cầu chung về bảo vệ lòng, bờ, bãi sông , đồng thời, phải đáp ứng các yêu cầu sau đây: Phù hợp với các quy định về hành lang bảo vệ hồ chứa, bảo vệ công trình, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đập, hồ chứa và các hạng mục công trình gắn liền với hồ chứa; Chỉ được phép khai thác phần trữ lượng do bồi lắng và phải gắn với yêu cầu nạo vét, phòng, chống bồi lắng lòng hồ; Không gây ô nhiễm nguồn nước, làm ảnh hưởng đến các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước của hồ chứa và không làm suy giảm chức năng, nhiệm vụ của hồ chứa đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Căn cứ đặc điểm địa hình, địa chất, hình thái của lòng sông, chế độ dòng chảy, diễn biến lòng, bờ, bãi sông và thực trạng, diễn biến tình hình xói, lở, bờ, bãi sông, các khu vực sau được khoanh định là khu vực cấm hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông: Khu vực đang bị sạt, lở; Khu vực đã bị sạt, lở và có nguy cơ tiếp tục bị sạt, lở; Khu vực bờ sông không ổn định, có nguy cơ sạt, lở; Khu vực khác có tầm quan trọng trong việc bảo đảm sự ổn định, an toàn của bờ sông; khu vực có công trình quốc phòng an ninh, khu đô thị, khu dân cư, khu vực có công trình đê điều, thủy lợi, giao thông, cấp thoát nước, quan trắc, giám sát và các công trình hạ tầng kỹ thuật khác mà việc khai thác cát, sỏi lòng sông có thể làm gia tăng nguy cơ mất ổn định bờ sông do UBND cấp tỉnh quyết định.

Nhà giàn phải quan trắc khí tượng thủy văn

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 48/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 38/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khí tượng thuỷ văn, trong đó sửa đổi bổ sung quy định công trình phải quan trắc khí tượng thủy văn.

Nhà giàn thuộc các cụm Dịch vụ Kinh tế - Kỹ thuật phải quan trắc khí tượng thủy văn

Cụ thể, công trình phải quan trắc khí tượng thủy văn quy định tại khoản 3 Điều 13 của Luật khí tượng thủy văn gồm:

1- Sân bay dân dụng.

2- Đập, hồ chứa nước thuộc loại quan trọng đặc biệt, loại lớn, loại vừa theo quy định của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước và hồ chứa thuộc phạm vi điều chỉnh của quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông (sau đây gọi tắt là đập, hồ chứa).

3- Bến cảng thuộc cảng biển loại I và loại II theo danh mục cảng biển, bến cảng thuộc cảng biển Việt Nam do Bộ Giao thông vận tải công bố.

Trường hợp cảng biển có nhiều bến cảng thì Giám đốc Cảng vụ hàng hải chủ trì, tổ chức lấy ý kiến cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường, cơ quan khí tượng thủy văn tại địa phương khu vực cảng biển quyết định lựa chọn, chỉ định một hoặc một số bến cảng có tính đại diện về điều kiện tự nhiên khí tượng thủy văn cho khu vực cảng biển để tổ chức quan trắc, cung cấp thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn theo quy định tại Nghị định này. Các bến cảng còn lại được quyền khai thác, chia sẻ thông tin quan trắc và có nghĩa vụ đóng góp kinh phí theo tỷ lệ bình quân để thực hiện quan trắc, cung cấp thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn theo quy định tại Nghị định này.

Bến cảng thuộc cảng quân sự thực hiện quan trắc, cung cấp thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn theo quy định của Bộ Quốc phòng.

5- Cầu có khẩu độ thông thuyền từ 500 mét trở lên.

6- Tháp thu phát sóng phát thanh, truyền hình có kết hợp khai thác tham quan, kinh doanh phục vụ khách trên tháp.

7- Cáp treo phục vụ hoạt động tham quan, du lịch.

8- Vườn quốc gia.

9- Tuyến đường cao tốc tại khu vực thường xuyên có thời tiết nguy hiểm được xác định theo phân vùng rủi ro thiên tai do Tổng cục Khí tượng Thủy văn thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố và được cập nhật định kỳ 3 năm một lần.

10- Cảng thủy nội địa tổng hợp loại I trở lên.

11- Công trình mang tính chất đặc thù gồm các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, nhà giàn thuộc các cụm Dịch vụ Kinh tế - Kỹ thuật (DK1), sân bay quân sự phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh.

Chủ sở hữu đối với đập, hồ chứa, tổ chức quản lý trực tiếp vườn quốc gia, công trình mang tính chất đặc thù phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh, chủ đầu tư hoặc tổ chức, cá nhân khai thác đối với sân bay, bến cảng, cầu, tháp thu phát sóng phát thanh, truyền hình, cáp treo, tuyến đường cao tốc, cảng thủy nội địa quy định nêu trên có trách nhiệm bảo đảm kinh phí để tổ chức thực hiện quan trắc, cung cấp thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn theo quy định tại Nghị định này.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6/2020.

Chất lượng không khí được cải thiện

Chất lượng không khí được cải thiện ở các đô thị

Kết quả tính toán chỉ số chất lượng không khí (AQI) trong ngày tại các trạm của Hà Nội trong thời gian từ ngày 1/1 đến 9/4/2020 cho thấy, từ đầu tháng 1 đến nửa đầu tháng 3, khá nhiều khoảng thời gian trong ngày có chất lượng không khí ở mức kém và xấu, thậm chí có những ngày chất lượng không khí ở mức xấu và rất xấu. Tuy nhiên, từ khoảng ngày 22/3 đến ngày 7/4, phần lớn thời gian trong ngày, chất lượng không khí duy trì ở mức tốt và trung bình.

“Như trong nhiều báo cáo đã phân tích về những nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường không khí, các hoạt động sản xuất công nghiệp, giao thông, xây dựng… đều là nguồn phát sinh bụi và khí thải vào môi trường không khí. Chính vì vậy, khi các đô thị lớn của nước ta thực hiện lệnh cách ly xã hội, cùng với các hoạt động sản xuất, giao thông, xây dựng… giảm hoặc dừng hoạt động đã khiến chất lượng không khí được cải thiện”- Tổng cục Môi trường nhận định.

Tổng cục Môi trường cho biết, trong thời gian tới vẫn cần tiếp tục theo dõi các số liệu quan trắc chất lượng không khí cùng các yếu tố ảnh hưởng để có được những phân tích, đánh giá cụ thể hơn về các nguyên nhân tác động đến chất lượng không khí ở nước ta nói chung, và ở các đô thị lớn nói riêng.

PV