Năng lượng tái tạo

Bản tin năng lượng số 10/2022

Thứ hai, 21/3/2022 | 08:35 GMT+7
Mới đây, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo thuộc Bộ Công Thương phối hợp với Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ tổ chức hội thảo trực tuyến “Phát triển năng lượng sinh học Việt Nam góp phần thực hiện cam kết COP26”.

Phát triển năng lượng sinh học Việt Nam góp phần thực hiện cam kết COP26

Sự kiện nằm trong khuôn khổ dự án “Bảo vệ khí hậu thông qua phát triển thị trường sinh học bền vững tại Việt Nam” (BEM) do Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo/Bộ Công Thương và Tổ chức GIZ phối hợp thực hiện. Dự án do Bộ Môi trường, Bảo tồn Thiên nhiên, An toàn Hạt nhân và Bảo vệ Người tiêu dùng của Liên bang Đức thông qua Sáng kiến Khí hậu quốc tế (IKI) tài trợ. 

Hội thảo đã tập trung vào phân tích tiềm năng của năng lượng sinh học tại Việt Nam, từ đó đề xuất các giải pháp khả thi để thúc đẩy năng lượng sinh học phát triển giúp thực hiện cam kết COP26. 

Tháo gỡ các rào cản nhằm thúc đẩy phát triển năng lượng sinh học trong thời gian tới, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26. (Ảnh: GIZ)

Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Nguyễn Phương Mai, Phó Chánh Văn phòng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo chia sẻ: Việt Nam là một nước nông nghiệp, có nhiều tiềm năng phát triển năng lượng sinh học. Việc tận dụng các nguồn tài nguyên để sản xuất năng lượng sinh học có vai trò quan trong góp phần việc phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, và bảo vệ môi trường. 

Theo dự thảo Quy hoạch điện VIII, công suất lắp đặt năng lượng sinh khối đến năm 2030 của Việt Nam là 1.730 MW, tuy nhiên đến nay mới lắp đặt được 350 MW. Như vậy, từ giờ đến năm 2030, muốn đạt được mục tiêu trên, cần có sự vào cuộc của các Bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Ông Nathan Moore, Giám đốc Dự án BEM của GIZ nhấn mạnh: “Hội thảo là cơ hội thảo luận để tháo gỡ các rào cản nhằm thúc đẩy phát triển năng lượng sinh học trong thời gian tới, góp phần thực hiện cam kết COP26 của Chính phủ, đóng góp vào các mục tiêu phát triển và năng lượng của Việt Nam, cùng nhau nỗ lực hướng tới một tương lai carbon thấp”.

Hội thảo gồm các bài trình bày và phiên thảo luận về một số chủ đề liên quan đến phát triển năng lượng sinh học, cam kết của Việt Nam tại COP26 do đại điện của các Bộ, ban ngành, chuyên gia trong nước và quốc tế chủ trì.

Tiền Giang: Khánh thành dự án điện gió Tân Phú Đông 2

Ngày 18/3, UBND tỉnh Tiền Giang phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức khánh thành và đưa vào sử dụng Nhà máy điện gió Tân Phú Đông 2.

Dự án có công suất 50MW với tổng mức đầu tư 2.242 tỷ đồng; tọa lạc tại xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông. Dự án do Công ty CP Điện Gia Lai (GEC) làm chủ đầu tư. Theo chủ đầu tư, dự án được triển khai thực hiện từ tháng 3/2021 và hoàn tất vào tháng 10/2021.

Mặc dù thi công trong điều kiện khó khăn do dịch bệnh COVID-19 nhưng chủ đầu tư đã tập trung phương tiện, thiết bị, huy động nguồn nhân lực và có phương án thi công phù hợp, đảm bảo nguyên tắc phòng, chống dịch nên hoàn thành công trình theo kế hoạch đề ra.

Thời điểm nước rút, chủ đầu tư đã huy động 600 công nhân, kỹ sư, chuyên gia làm việc liên tục trên công trình, khẩn trương thi công nhiều hạng mục quan trọng: thi công 62 trụ, kéo 17,6km đường dây 110kV, lắp đặt 12 tuabin phát điện cùng nhiều công trình phụ trợ khác.

Khi hoàn thành, đưa vào sử dụng và vận hành, dự án cung cấp sản lượng điện lên đến 161 triệu kWh/năm với khoảng 25.000 hộ gia đình được hưởng lợi. Mặt khác, dự án còn giúp giảm phát thải khoảng 140.000 tấn CO2/năm.

Các đại biểu cắt băng khánh thành Nhà máy điện gió Tân Phú Đông 2

Cũng nhân dịp này, Công ty CP Điện Gia Lai (GEC) khởi công tiếp các hạng mục trên biển của dự án Nhà máy điện gió Tân Phú Đông 1. Nhà máy có công suất 100 MW với tổng mức đầu tư lên đến 4.465 tỷ đồng. Dự kiến, nhà máy sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng vào tháng 10 năm nay.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh đánh giá cao dự án cũng như nỗ lực của nhà đầu tư, các đơn vị thi công cùng tập thể công nhân lao động đã vượt qua khó khăn, đảm bảo tiến độ thi công và đưa công trình vào phục vụ sản xuất và đời sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương khi tỉnh trở lại trạng thái bình thường mới.

Lãnh đạo tỉnh Tiền Giang cam kết hỗ trợ nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc kịp thời nhằm tiếp tục đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành đưa thêm Nhà máy điện gió Tân Phú Đông 1 vào hoạt động trong thời gian tới, tạo nguồn năng lượng sạch cho cả nước nói chung, trong đó có tỉnh Tiền Giang được hưởng lợi.

Quảng Trị: Điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án điện gió Hướng Linh 3

UBND tỉnh Quảng Trị vừa ban hành Quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư dự án Nhà máy điện gió Hướng Linh 3.

Dự án Nhà máy điện gió Hướng Linh 3 lần đầu được UBND tỉnh Quảng Trị chấp thuận chủ trương cho Công ty CP điện gió Hướng Linh 3 làm chủ đầu tư theo quyết định số 781/QĐ-UBND ngày 9/4/2019.

Dự án có tổng công suất là 30MW, thiết kế gồm 9 tuabin gió, mỗi tuabin gió từ 3,3 đến 3,465 MW. Điện lượng trung bình khoảng 123.329.000 kMW/năm. Dự án được thực hiện tại xã Hướng Linh, huyện Hướng Hóa trên diện tích 8ha (không kể đất sử dụng cho các móng trụ đường dây đấu nối với lưới điện quốc gia, diện tích đất tạm thời phục vụ thi công). Tổng số vốn đầu tư hơn 1.530 tỷ đồng.

Theo tiến độ dự án trong quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, từ tháng 3/2019 đến tháng 5/2019, lập thiết kế kỹ thuật - bản vẽ thi công. Tháng 12/2020 sẽ hiệu chỉnh và đấu nối và phát điện.

Mới đây, ngày 10/3/2022, UBND tỉnh Quảng Trị có quyết định số 756/QĐ-UBND chấp thuận cho Công ty CP điện gió Hướng Linh 3 điều chỉnh chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư dự án. 

Ở lần chấp thuận điều chỉnh này, diện tích đất sử dụng được điều chỉnh từ phương án ban đầu là 8ha lên 9,02ha (bao gồm tất cả các hang mục của dự án, không kể diện tích đất tạm thời phục vụ thi công). Tiến độ thực hiện: từ tháng 9/2022 đến hết tháng 10/2022 thì thí nghiệm, hiệu chỉnh, đấu nối và phát điện.

Ảnh minh họa

UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu Công ty CP điện gió Hướng Linh 3 chịu trách nhiệm triển khai thực hiện dự án tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành và những nội dung được quy định tại quyết định chủ trương đầu tư, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư. Thực hiện chế độ báo cáo hoạt động đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật liên quan; cung cấp các văn bản, thông tin liên quan đến nội kiểm tra, thanh tra và giám sát hoạt động đầu tư cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, công ty cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, lập hồ sơ thuê đất các hạng mục còn lại; chỉ được triển khai dự án trên thực địa sau khi hoàn thành các thủ tục đất đai, chuyển mục đích sử dụng rừng... theo đúng quy định; rà soát báo cáo đánh giá tác động môi trường để bổ sung nội dung di dời các hộ dân trên diện tích mới bổ sung...

Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, theo dõi, đôn đốc nhà đầu tư thực hiện dự án theo tiến độ và các nội dung đã cam kết điều chỉnh.

Các Sở, ban, ngành liên quan trong phạm vi chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về đầu tư đối với dự án.

UBND huyện Hướng Hóa chịu trách nhiệm phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các bên liên quan thực hiện quản lý, nắm bắt tình hình và đôn đốc nhà đầu tư thực hiện dự án theo tiến độ đã được điều chỉnh.

Ngân Hà