Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA) có trụ sở tại Abu Dhabi (Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất), trong Báo cáo thường niên năm 2017 Năng lượng Tái tạo và việc làm cho biết, cách đây 5 năm lĩnh vực này chỉ tạo được 5 triệu việc làm. Đến năm 2016, NLTT thế giới tạo việc làm cho 9,8 triệu người, gần gấp đôi mức của năm 2012.
Tổng Giám đốc IRENA Adnan Z. Amin cho biết, các thuận lợi về chi phí và chính sách đã thúc đẩy đầu tư và hoạt động tuyển dụng nhân sự trong lĩnh vực NLTT thế giới kể từ khi IRENA công bố bản đánh giá thường niên đầu tiên vào năm 2012.
Số việc làm trong cả hai lĩnh vực năng lượng mặt trời và năng lượng gió đã tăng hơn gấp đôi trong 4 năm qua. Hiện nay trên thế giới, hai ngành năng lượng cung cấp nhiều cơ hội việc làm nhất là ngành quang điện mặt trời và năng lượng sinh học với khoảng 30% tổng số việc làm trong ngành NLTT.
Theo IRENA, các nước tạo được nhiều việc làm nhất trong lĩnh vực NLTT là Brazil, Trung Quốc, Đức, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ.
Năm 2016, có 3,46 triệu người làm việc trong lĩnh vực này tính riêng tại Trung Quốc, tăng 3,4%. 62% việc làm trong lĩnh vực NLTT là ở châu Á – nơi ghi nhận số lượng dự án đang trên đà tăng, đặc biệt tại Malaysia và Thái Lan.
IRENA dự đoán số người làm việc trong lĩnh vực NLTT sẽ lên tới 24 triệu tới năm 2030 và đây sẽ trở thành động lực chính cho các nền kinh tế trên khắp thế giới.
Cũng theo kết quả nghiên cứu này, nếu châu Âu đạt được mục tiêu và vượt qua lượng tiêu thụ NLTT là 20% trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 thì 2,8 triệu việc làm sẽ có thể được tạo ra và thậm chí có thể sinh ra giá trị thặng dư thêm khoảng 1,1% GDP.
Phát biểu với giới báo chí, ông Andris Piebalgs, ủy viên châu Âu phụ trách về năng lượng cho biết: “Đây là các bằng chứng cho thấy rằng các lợi ích của NLTT ở mức độ an ninh dự trữ và đấu tranh chống biến đổi khí hậu có thể cùng sánh vai với các tiến bộ kinh tế”.
Đồng quan điểm, Báo cáo hiện trạng năng lượng tái tạo toàn cầu REN21 – 2017 do Mạng lưới chính sách năng lượng tái tạo cho thế kỷ XXI công bố hồi giữa năm 2017 chỉ ra nhiều điểm sáng cũng như tương lai đầy triển vọng của ngành NLTT. Theo đó, báo cáo này cũng nhấn mạnh, một trong những động lực thúc đẩy ngành này phát triển vượt bậc trong thời gian vừa qua là triển khai NLTT tạo ra nhiều giá trị và việc làm tại địa phương.
Đối với các nước có nền kinh tế tăng trưởng thấp trên thế giới, ngành NLTT sẽ cung cấp một giải pháp để tăng thu nhập, cải thiện cán cân thương mại, đóng góp cho phát triển công nghiệp và tạo ra việc làm. Các phân tích cho thấy, những nước có khung chính sách NLTT ổn định được hưởng lợi nhiều nhất từ giá trị tại địa phương mà ngành này tạo ra. Việc làm trong lĩnh vực NLTT không bao gồm thủy điện quy mô lớn tăng 2,8% trong năm 2016.
NLTT cũng tạo ra triển vọng việc làm lớn tại Việt Nam. Chia sẻ tại Tuần lễ Năng lượng tái tạo Việt Nam 2017 diễn ra hồi tháng 8/2017, GS.TS Nguyễn Thế Mịch – Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, theo Kịch bản Phát triển năng lượng bền vững tối ưu (ASES), ngành NLTT của Việt Nam có thể tạo ra 700.000 việc làm mới liên quan đến lĩnh vực này trong thời gian tới.
Theo ông Chung – Han Wu, Giám đốc công nghệ của công ty Boviet – một công ty sản xuất pin mặt trời có trụ sở tại Bắc Giang, số lượng việc làm trong ngành năng lượng mặt trời chiếm đa số trong số các ngành NLTT. “Để thiết kế theo đặc thù và bố trí các nhà máy năng lượng mặt trời tại Việt Nam hiện nay, có khoảng 1.300 công nhân cần cho nhà mát sản xuất dàn pin năng lượng mặt trời 1 GW và khoảng 900 công nhân cần cho nhà máy sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời 1 GW. Năm 2020, việc lắp đặt hàng năm hệ thống năng lượng mặt trời ở Việt Nam sẽ tăng lên 850 MW, có nghĩa là khoảng 15.000 người trên cả nước sẽ làm việc về lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời”, ông Chung – Han Wu nói.
Nắm bắt xu hướng phát triển chung, nhiều trường Đại học tại Việt Nam mở chuyên ngành đào tạo chuyên sâu về NLTT. Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) là trường đại học tiên phong ở Việt Nam đào tạo từ bậc cử nhân đến tiến sỹ ngành NLTT. Năm 2010, Khoa Năng lượng của trường bắt đầu tuyển sinh khóa đầu tiên với hai chuyên ngành: green electric city (điện xanh) và năng lượng sinh học. Hiện nay, khoa tuyển từ 10 đến 15 sinh viên mỗi khóa. “Năm đầu tiên, chúng tôi chủ yếu giảng dạy các môn đại cương, tập trung vào các môn kỹ thuật điện. Hai năm cuối quan trọng nhất, chúng tôi đi sâu vào các môn chuyên ngành về quản lý năng lượng, công nghệ điện lưới thông minh, kinh tế năng lượng, nhiên liệu sinh học, năng lượng gió, năng lượng mặt trời…”, TS. Nguyễn Trịnh Hoàng Anh, giảng viên của USTH chia sẻ.
Đại học Điện lực cũng có mã ngành đào tạo về NLTT. Năm 2015, bộ môn NLTT (Khoa Công nghệ năng lượng) của trường tuyển sinh khóa đầu.