Cơ hội phát triển công nghệ và công nghiệp năng lượng mới
Ngày 14/7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 chủ trì phiên họp lần thứ 3 của Ban Chỉ đạo.
Tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 là mục tiêu phát triển tất yếu của thế giới, thực hiện chủ yếu thông qua chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ, phát triển phát thải thấp. Đây cũng là yêu cầu mới về thương mại, đầu tư toàn cầu đã được xác lập kể từ sau Hội nghị COP26.
Về các nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao để chủ động, tích cực triển khai các công việc được phân công.
Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất chính sách khuyến khích phát triển công nghệ, năng lượng sạch, xanh. Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng chương trình chuyển đổi số phục vụ chống biến đổi khí hậu, trong đó có phát triển xanh. Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng chương trình để các doanh nghiệp đi theo xu hướng chuyển đổi xanh, chuyển đổi số.
Thủ tướng thống nhất nội dung Đề án tổ chức Hội nghị đối thoại hợp tác với các đối tác phát triển về triển khai thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 và chuyển đổi năng lượng; chú ý làm rõ nhu cầu cần hỗ trợ cụ thể của mỗi Bộ, ngành, lĩnh vực để thực hiện mục tiêu Việt Nam cam kết tại COP26.
Phiên họp lần thứ 3 của Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26. (Ảnh: VGP)
Thủ tướng đồng ý về kế hoạch đàm phán và những vấn đề chính của Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng, công lý, theo đó, xác định chuyển đổi năng lượng là xu hướng toàn cầu, là cơ hội và cũng là thách thức đối với Việt Nam. Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Ngoại giao khẩn trương dự thảo, đàm phán với đối tác, đảm bảo tính công bằng, công lý, khả thi, phù hợp với điều kiện phát triển của đất nước và xu hướng phát triển của nhân loại. Chuẩn bị kỹ các tài liệu, dữ liệu, thông tin, thể hiện rõ và bảo vệ chính kiến, tranh thủ mọi nguồn lực nhưng nguyên tắc bất di bất dịch là giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.
Để thực hiện kế hoạch đàm phán, Thủ tướng giao các Bộ phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, ngành liên quan khẩn trương xây dựng hoàn thành trước cuối tháng 8/2022 các báo cáo nền về: chuyển đổi công bằng trong khai thác, chế biến nhiên liệu hóa thạch; chuyển đổi công bằng trong sản xuất điện (Bộ Công Thương); chuyển đổi công bằng trong lĩnh vực giao thông vận tải (Bộ Giao thông vận tải); chuyển đổi công bằng trong lĩnh vực xây dựng và quản lý tòa nhà (Bộ Xây dựng); chuyển đổi công bằng trong lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); tác động của quá trình chuyển đổi năng lượng tới an sinh, xã hội và việc làm (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội).
Về thực hiện các cam kết khác của Việt Nam tại COP26, Bộ Công Thương hoàn thành Kế hoạch thực hiện Tuyên bố về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn thành Kế hoạch thực hiện Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất để báo cáo tại cuộc họp lần thứ tư của Ban Chỉ đạo.
Trên cơ sở kiến nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, Văn phòng Chính phủ tổng hợp báo cáo Chính phủ về những bất cập để sửa đổi các quy định hiện hành, tạo thông thoáng cho các hoạt động phát triển năng lượng tái tạo.
Trong đó, nghiên cứu việc ban hành Nghị quyết của Chính phủ chấp thuận hoạt động đo gió, quan trắc, điều tra, khảo sát, đánh giá tác động môi trường trên biển phục vụ lập các dự án điện gió có tính cấp bách. Bộ Tài nguyên và Môi trường khảo sát, đánh giá tổng thể về tiềm năng điện gió trên cả nước.
Bộ Công Thương chủ trì trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành cơ chế xác định giá bán điện, cho phép áp dụng cơ chế mua bán điện trực tiếp; sớm trình cấp có thẩm quyền ban hành quy hoạch chi tiết phát triển điện gió ngoài ngoài khơi.
Thủ tướng nhấn mạnh, các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, đề xuất các giải pháp tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc thuộc lĩnh vực quản lý nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy chuyển đổi xanh. Đặc biệt, cần quan tâm rà soát lại thể chế, cơ chế chính sách phù hợp; huy động mọi nguồn lực tài chính hợp pháp; đổi mới khoa học công nghệ; đào tạo, nâng cao chất lượng và cơ cấu lại nguồn nhân lực; ứng dụng khoa học công nghệ; nâng cao năng lực quản trị.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng trước mắt mà Thủ tướng nhấn mạnh là tập trung phát triển nền công nghiệp về chuyển đổi năng lượng, nghiên cứu công nghệ chuyển đổi năng lượng, thúc đẩy sản xuất các thiết bị trong nước… Đây là "một mũi tên trúng hai đích", khi vừa thực hiện được các cam kết quốc tế vừa phát triển được năng lực, công nghệ trong lĩnh vực công nghiệp có thị trường rất lớn trong và ngoài nước này.
Thủ tướng nhấn mạnh, phải kết hợp sức mạnh dân tộc, sức mạnh của nền kinh tế Việt Nam với xu thế phát triển của thời đại, của công nghệ… Cần quyết tâm cao hơn nữa, coi đây là cơ hội cho Việt Nam phát triển công nghệ và công nghiệp năng lượng mới, có một chiến lược cho việc này.
Thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp hydrogen xanh
Vừa qua, chương trình đào tạo “Green hydrogen & Power to X (PtX)” do dự án Năng lượng tái tạo và Hiệu quả Năng lượng (viết tắt là 4E) thuộc Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ tổ chức diễn ra tại Đà Nẵng.
Tham gia khóa đào tạo có 24 học viên, là cán bộ từ các cơ quan quản lý nhà nước trực thuộc Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Viện Năng lượng (Bộ Công Thương), trường Đại học Bách Khoa Hà Nội cũng như có sự tham dự của các đại diện từ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực năng lượng. Chương trình được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, với giảng viên chính là GS. TS. Christoph Menke, giáo sư chuyên ngành Hệ thống Năng lượng, Công nghệ và Kinh tế thuộc trường Đại học ứng dựng Trier, Đức.
Hydrogen xanh được sản xuất thông qua quá trình điện phân nước sử dụng năng lượng tái tạo và hoàn toàn không phát thải carbon
Trong hai ngày đầu tiên của khóa học, các học viên được trang bị kiến thức theo 7 mô-đun, bao trùm các chủ đề khác nhau về công nghiệp hydrogen xanh (PtX) như quy trình sản xuất hydrogen và PtX, nền kinh tế hydrogen xanh, cơ sở hạ tầng cho phát triển hydrogen xanh, kiến thức về thị trường, các quy định, chính sách cần thiết cùng các tiêu chí bền vững về khí hậu và môi trường...
Theo đó, ngành công nghiệp hydrogen xanh (PtX) và công nghệ sản xuất nguyên/nhiên liệu tổng hợp dựa trên hydrogen đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển dịch năng lượng, góp phần giúp thế giới cũng như Việt Nam có thể đạt mục tiêu không phát thải cácbon (Net Zero) vào năm 2050.
Hydrogen đóng vai trò như một chất mang năng lượng và phương tiện lưu trữ năng lượng hiệu quả. Các học viên cũng được giới thiệu cách phân biệt giữa hydrogen xanh (green hydrogen) và hydrogen xám (grey hydrogen).
Trong khi hydrogen xám được sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch và là nguồn phát thải carbon ra môi trường, hydrogen xanh được sản xuất thông qua quá trình điện phân nước sử dụng năng lượng tái tạo và hoàn toàn không phát thải carbon. Ngoài ra, tùy theo công nghệ sản xuất và nguồn vật liệu sử dụng, hydrogen sẽ được quy định thành các màu sắc khác như vàng, xanh lam, đen và đỏ.
Đặc biệt, khóa học đã mang tới kiến thức chuyên sâu về công nghệ Power to X (PtX) cho các học viên. Ứng dụng công nghệ PtX cho phép sử dụng năng lượng tái tạo để sản xuất ra các loại vật liệu và dẫn xuất ở trạng thái khác nhau của vật chất như trạng thái khí hydrogen hay lỏng như ammonia hoặc dưới dạng nhiên liệu tổng hợp như kerosen. Nhờ đó, các vật liệu và dẫn xuất có thể được vận chuyển, lưu trữ tại những chuỗi cung ứng hiện đại và được giao dịch, buôn bán thuận tiện trên quy mô toàn cầu. Công nghệ PtX tạo ra những chất mang năng lượng đặc biệt cần thiết để gián tiếp điện khí hóa các ngành công nghiệp khó giảm thải, đẩy nhanh tiến trình đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.
Khóa đào tạo “Green hydrogen & Power-to-X” là khóa đào tạo thứ hai do Tổ chức Hợp tác Đức GIZ thực hiện trong lĩnh vực này. Trong thời gian sắp tới, GIZ dự kiến sẽ tiếp tục triển khai các khóa học phù hợp về hydrogen xanh và PtX cho các đối tượng khác nhau nhằm nâng cao năng lực, góp phần thúc đầy nghành công nghiệp này phát triển bền vững trong tương lai.
Quảng Ngãi cho phép nhà đầu tư tiếp tục khảo sát dự án điện gió Bùi Hui
Mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền chủ trì họp với các sở, ngành, địa phương liên quan cùng Công ty CP MB INVEST để nghe báo cáo và chỉ đạo các nội dung liên quan đến việc thực hiện thử nghiệm đo gió để phát triển dự án điện gió tại Bùi Hui.
Tại cuộc họp, đại diện Công ty CP MB INVEST đã báo cáo kết quả sau 1 năm khảo sát dự án điện gió Bùi Hui. Kết quả đo khảo sát ban đầu cho thấy, khu vực Bùi Hui có tiềm năng về năng lượng gió, có khả năng phát điện cao.
Từ đó, nhà đầu tư trình bày các phương án đấu nối dự án điện gió và đề xuất UBND tỉnh Quảng Ngãi cho phép công ty tiếp tục khảo sát dự án trong thời gian 1 năm để đánh giá kỹ hơn, chính xác hơn các thông số, chỉ số gió, đảm bảo tính khả thi của dự án.
Cuộc họp của UBND tỉnh Quảng Ngãi về việc phát triển điện gió tại Bùi Hui
Lãnh đạo huyện Ba Tơ cho biết, khu vực Bùi Hui hiện đang được huyện đưa vào quy hoạch phát triển du lịch. Tại khu vực này, huyện đã triển khai mô hình Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) kết hợp với du lịch cộng đồng, bước đầu mang lại hiệu quả. Việc nhà đầu tư đề xuất dự án điện gió tại Bùi Hui là hoàn toàn phù hợp với định hướng phát triển du lịch tại địa phương.
Trên cơ sở ý kiến của các sở, ngành, địa phương và đề xuất của nhà đầu tư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền đánh giá cao việc nhà đầu tư đã thực hiện theo đúng cam kết với tỉnh về khảo sát dự án.
Ông Trần Phước Hiền đồng ý về mặt chủ trương cho nhà đầu tư tiếp tục khảo sát về năng lượng gió tại khu vực Bùi Hui, xã Ba Trang, huyện Ba Tơ trong thời gian 1 năm và yêu cầu các sở, ngành, địa phương hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư hoàn thành việc khảo sát năng lượng gió tại khu vực trên.