Năng lượng tái tạo

Bản tin năng lượng số 34/2023

Thứ hai, 4/9/2023 | 08:00 GMT+7
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 1009/QĐ-TTg phê duyệt Đề án triển khai Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (Tuyên bố JETP).

Phê duyệt Đề án triển khai Tuyên bố JETP

Mục tiêu tổng quát của đề án là triển khai thực hiện thành công Tuyên bố JETP gắn với thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, góp phần thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050; phát triển ngành năng lượng hài hòa giữa các phân ngành với hạ tầng đồng bộ, thông minh trên cơ sở bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và các mục tiêu phát triển, đảm bảo công bằng trong chuyển đổi năng lượng.

Tiếp nhận và sử dụng hiệu quả sự hỗ trợ của các đối tác quốc tế trong chuyển giao công nghệ, quản trị, đào tạo nhân lực, cung cấp tài chính cho việc thực hiện Tuyên bố JETP, góp phần thực hiện định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam, thực hiện Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch.

Thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, góp phần thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050

Quyết định nêu 10 nhiệm vụ trọng tâm là:

Hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy chuyển đổi năng lượng;

Thúc đẩy chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch;

Phát triển hệ sinh thái công nghiệp và dịch vụ về năng lượng tái tạo;

Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả;

Nâng cấp hệ thống truyền tải và phân phối điện, đẩy nhanh lộ trình xây dựng hệ thống điện thông minh và phát triển hệ thống lưu trữ năng lượng;

Chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí nhà kính của ngành giao thông vận tải;

Đổi mới sáng tạo, phát triển và chuyển giao công nghệ;

Bảo đảm công bằng trong chuyển đổi năng lượng;

Truyền thông, nâng cao nhận thức;

Thúc đẩy hợp tác, huy động nguồn lực cho chuyển đổi năng lượng công bằng.

Phát triển dự án điện gió ngoài khơi để xuất khẩu điện sang Singapore

Ngày 29/8, tại trụ sở Chính phủ, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, Bộ Tài nguyên và Môi trường trao Quyết định về việc chấp thuận hoạt động quan trắc, điều tra, khảo sát, đánh giá tài nguyên biển (giấy phép khảo sát) phục vụ dự án điện gió ngoài khơi tại khu vực biển Bà Rịa - Vũng Tàu để xuất khẩu điện sang Singapore cho Tổng công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC).

Trong khuôn khổ sự kiện này, đối tác của PTSC là Công ty Sembcorp Utilities Ltd (SCU) cũng đã được Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore (MTI) trao ý định thư (LOI) về việc cấp phép có điều kiện nhập khẩu điện sạch từ Việt Nam.

Quang cảnh buổi lễ

Với việc được trao Quyết định nói trên, PTSC hiện là nhà đầu tư đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép triển khai đầy đủ các hoạt động quan trắc, điều tra, khảo sát, đánh giá tài nguyên biển để phát triển dự án điện gió ngoài khơi. Trên cơ sở chấp thuận của Bộ Tài nguyên và Môi trường, PTSC sẽ triển khai các công tác đo gió, khảo sát biển và khảo sát địa chất tại một số khu vực ngoài khơi vùng biển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để thu thập các dữ liệu cần thiết phục vụ công tác đầu tư, phát triển dự án.

Sự kiện nói trên cũng là dấu mốc quan trọng kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973 - 2023) và 10 năm quan hệ đối tác chiến lược (2013 - 2023) giữa Việt Nam và Singapore, hiện thực hóa bản ghi nhớ xây dựng đối tác kinh tế xanh – kinh tế số giữa hai quốc gia.

Trước đó, vào ngày 10/2/2023, PTSC và đối tác SCU cũng công bố bản thỏa thuận phát triển chung (JDA) giữa hai công ty trong việc hợp tác đầu tư phát triển dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam để xuất khẩu sang Singapore.

Hợp tác phát triển chuỗi cung ứng ngành điện gió ngoài khơi tại Việt Nam

Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners (CIP) của Đan Mạch vừa ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác phát triển thi công chế tạo móng monopile và kết cấu thép cho các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam với cùng với Công ty CP Tập đoàn Đại Dũng.

Phát biểu bên lề lễ lý kết, ông Stuart Livesey, đại diện của Tập đoàn CIP tại Việt Nam cho biết: “Tập đoàn CIP có cam kết mạnh mẽ với ngành điện gió ngoài khơi tại Bình Thuận nói riêng và thị trường Việt Nam nói chung. Qua kinh nghiệm triển khai nhiều dự án điện gió ngoài khơi trên thế giới, chúng tôi nhận thấy việc phát triển được chuỗi cung ứng nội địa là một trong những yếu tố quan trọng giúp đảm bảo hiệu quả triển khai và hiệu quả chi phí cho dự án, từ đó giúp giảm giá bán điện đến người tiêu dùng.

Để góp phần vào sự phát triển bền vững của thị trường điện gió ngoài khơi tại Việt Nam, CIP luôn mong muốn đồng hành cùng các đối tác và nhà cung cấp đủ năng lực để cùng thúc đẩy chuỗi cung ứng nội địa. Công ty CP Tập đoàn Đại Dũng là nhà sản xuất thép rất có năng lực và đáng tin cậy tại Việt Nam và hiện đang có kế hoạch mở rộng việc đầu tư vào chuỗi cung ứng tại tỉnh Bình Thuận, từ đó giúp thúc đẩy ngành điện gió ngoài khơi của tỉnh. Biên bản ghi nhớ giữa Tập đoàn CIP và Công ty CP Tập đoàn Đại Dũng không chỉ thể hiện sự tin tưởng của Tập đoàn CIP đối với năng lực của các doanh nghiệp sản xuất trong nước mà còn hứa hẹn sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác phát triển chuỗi cung ứng gắn liền với ngành điện gió ngoài khơi tại Việt Nam”.

Quang cảnh lễ ký kết

Biên bản ghi nhớ đánh dấu sự hợp tác giữa đơn vị cung cấp cơ sở hạ tầng có năng lực trong nước và nhà đầu tư điện gió ngoài khơi giàu kinh nghiệm quốc tế, cùng phát huy thế mạnh của mỗi bên để khởi tạo ngành điện gió ngoài khơi tại Việt Nam, góp phần hiện thực hóa mục tiêu giảm phát thải ròng thông qua việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo.

Tập đoàn CIP là một trong ba nhà phát triển điện gió ngoài khơi hàng đầu thế giới và là nhà đầu tư tập trung phát triển năng lượng tái tạo lớn nhất toàn cầu có trụ sở tại Đan Mạch. CIP hiện đang quản lý 11 quỹ đầu tư vào năng lượng tái tạo với tổng vốn huy động đạt 25 tỷ Euro và tổng công suất của các dự án đang được phát triển, xây dựng và vận hành đạt trên 50GW. CIP có nhiều triển vọng hợp tác cùng các đối tác Việt Nam phát triển thành công các dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn (trên 500MW) trong nước.

Ngân Hà